Kỳ vọng FID Lô B - Ô Môn sẽ có trong nửa cuối năm nay
Trong quá khứ, thời kỳ đỉnh cao của ngành dầu khí Việt Nam (2011 - 2015) đã ghi nhận 21 hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) được ký mới đối với các dự án dầu khí, trung bình mỗi năm có 4 hợp đồng PSC được ký.
Đây cũng là giai đoạn kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thượng nguồn dầu khí như Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) đạt đỉnh cao khi tất cả các mảng kinh doanh (cơ khí, cho thuê tàu, thuê cảng, bảo dưỡng) đều có lượng việc làm lớn.
Tuy nhiên, thời kỳ khó khăn của ngành dầu khí (từ 2016 đến 2022) chỉ có 3 hợp PSC được ký. Việc sụt giảm nghiêm trọng các dự án dầu khí kéo theo việc suy giảm các công việc của các công ty dầu khí tại Việt Nam, trong đó có Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí.
Hiện nay, trải qua gần 7 năm không có hoạt động thăm dò mỏ khí mới, áp lực tìm kiếm nguồn cung khí cho ngành năng lượng Việt Nam ngày càng tăng khi các mỏ hiện hữu đang suy giảm trữ lượng nhanh chóng.
Do đó, chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn, với trữ lượng thu hồi khoảng 107 tỷ m3 khí (tương đương 5,06 tỷ m3 khí/năm), nhận được quyết tâm triển khai cao độ của Chính phủ, hứa hẹn mở ra giai đoạn phát triển mới với toàn ngành dầu khí Việt Nam.
Hiện Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã trúng các gói thầu EPCI#1, 2, 3 của Lô B với tổng giá trị gói thầu là 1,2 tỷ USD. Doanh nghiệp này cũng đang tham gia 02 gói thầu khác của Lô B - Ô Môn, gồm Gói thầu đường ống biển trị giá 400 triệu USD và Gói thầu cho thuê kho nổi chứa dầu khí (FSO). Nhiều tổ chức tài chính hiện kỳ vọng với lợi thế về kinh nghiệm và kỹ thuật, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ tiếp tục trúng 2 gói thầu này trong năm 2024.
Hiện vướng mắc lớn nhất của Lô B - Ô Môn là việc đạt được Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trước khi các bên liên quan có thể tiếp tục triển khai các đầu mục công việc. Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã hoàn thiện 15% tiến độ các gói thầu được trao trước đó và chỉ có thể triển khai thêm các hạng mục sau khi có FID.
Theo đánh giá mới nhất của BSC Equity Research, FID của chuỗi dự án Lô B - Ô Môn sẽ đạt được trong 6 tháng cuối năm nay. Theo đó, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án dầu khí từ nửa cuối năm nay.
Dự kiến trong năm nay, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ ghi nhận doanh thu liên quan đến các dự án dầu khí trong nước gồm Lạc Đà Vàng và Lô B – Ô Môn, và một phần việc liên quan đến dự án Gallaf Batch 3 tại Qatar.
Khối lượng backlog trong mảng điện gió lớn
Tính đến hiện tại, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang thực hiện 4 dự án liên quan đến điện gió ngoài khơi quy mô lớn, tập trung chủ yếu tại Đài Loan (Trung Quốc). Ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cho biết, công ty đã ký mới các hợp đồng và được trao thầu khoảng 1,5 tỷ USD cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan và châu Âu, đảm bảo việc làm đến năm 2027.
Bên cạnh đó, công ty đang tham gia đấu thầu một số hợp đồng xây lắp điện gió ngoài khơi và kỳ vọng sẽ giành được 1-2 hợp đồng trong thời gian tới với tổng giá trị ước tính từ 700 triệu USD - 1,1 tỷ USD (tương đương 350-500 triệu USD/dự án). Đồng thời, công ty có thể lựa chọn các dự án tối ưu khi khối lượng công việc đang khá nhiều, ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cho biết.
Doanh thu đến từ các hợp đồng xây lắp điện gió ngoài khơi sẽ tiếp tục là nguồn công việc chính cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong lúc chờ đợi các dự án dầu khí nội địa.
Hãng chứng khoán Vietcap ước tính, với việc trúng thầu loạt hợp đồng của dự án Lô B và dự kiến trúng thầu thêm các hợp đồng điện gió ngoài khơi mới, khối lượng đơn hàng chưa thực hiện (backlog) trong mảng xây lắp cơ khí & công trình biển (M&C) của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong giai đoạn 2024 - 2028 ước đạt 5,9 tỷ USD.
BSC Equity Research hiện dự phóng doanh thu thuần năm nay của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí sẽ đạt 25.689 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.033 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và 15% so với năm 2023.