Vừa qua, tập đoàn Saudi Aramco đã huỷ bỏ các gói thầu có tổng trị giá lên tới hơn 10 tỷ USD dành cho hoạt động mở rộng mỏ dầu Safaniyah của tập đoàn này. Nếu được triển khai, các gói thầu này sẽ giúp nâng công suất tối đa của Saudi Aramco từ 12 triệu thùng/ngày lên 13 triệu thùng/ngày. Saudi Aramco hiện là tập đoàn khai thác dầu khí lớn nhất thế giới, thuộc Chính phủ Saudi Arabia.
Đồng thời, việc triển khai các gói thầu này sẽ tạo ra lượng việc làm lớn cho toàn ngành dầu khí thế giới. Riêng trong lĩnh vực khoan thăm dò và khai thác, hoạt động khai thác tại Trung Đông đang là động lực chính thúc đẩy giá thuê giàn khoan tăng cao kỷ lục với việc lượng lớn giàn khoan đang tập trung phục vụ các chiến dịch khoan ở đây.
Theo đánh giá của hãng chứng khoán Vietcap (VCSC), việc Saudi Aramco trì hoãn kế hoạch mở rộng là do tập đoàn này vẫn còn công suất dự phòng khi sản lượng khai thác hiện tại mới ở mức 9 triệu thùng/ngày. Do đó, Saudi Aramco không cần đầu tư lớn trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, nếu không tiếp tục đẩu tư mở rộng khai thác, mức công suất hiện tại của Saudi Aramco sẽ giảm xuống còn khoảng 10,5 triệu thùng/ngày vào năm 2027. Do đó, chứng khoán Vietcap nhận định Saudi Aramco sẽ vẫn cần đầu tư mở rộng khai thác trong trung và dài hạn.
Saudi Aramco cũng cho biết phần vốn được phân bổ cho việc nâng cao năng lực khai thác sẽ được điều chuyển sang lĩnh vực khí và hoá chất. Tập đoàn này sẽ cập nhật thông tin chi tiết vào tháng 3/2024.
Do đó, trong khi chờ đợi các thông tin mới từ Saudi Aramco, chứng khoán Vietcap tiếp tục duy trì quan điểm tích cực về hoạt động đầu tư cho lĩnh vực thượng nguồn dầu khí tại Trung Đông nói riêng, toàn cầu nói chung.
Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global, chi tiêu cho các hoạt động thăm dò và sản xuất toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 4% trong giai đoạn 2023 - 2027.
Qua đó, tạo ra lượng việc làm ổn định cho các hãng khoan dầu khí như Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã cổ phiếu PVD).
Đại diện PV Drilling cho biết, trong tháng 1/2024, hiệu suất hoạt động của giàn khoan tự nâng (JU) toàn cầu trong tháng 1/2024 đã đạt mức cao kỷ lục 86%. Đồng thời, số giàn khoan JU không có việc làm dự kiến sẽ giảm từ khoảng 60 giàn khoan vào cuối năm 2023 xuống chỉ còn 30 giàn khoan cho đến ít nhất là tháng 8/2025. Đây sẽ là mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Hiện giá thuê của các giàn khoan cao cấp trên thị trường đang trong khoảng 120.000 - 150.000 USD/ngày, tương đương mức đỉnh của giai đoạn 2013 - 2015, thời kỳ “vàng son” của ngành dầu khí toàn cầu.
Theo S&P Global, thị trường giàn khoan JU khu vực Đông Nam Á có khả năng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu giàn khoan trong hầu hết giai đoạn năm 2024-2025 khi các giàn khoan đang bị “hút” về khu vực Trung Đông. Do đó, dự kiến giá thuê giàn khoan sẽ tiếp tục neo cao trong thời gian tới, hỗ trợ tích cực cho triển vọng kinh doanh của PV Drilling.
Hiện toàn bộ 06 giàn khoan của PV Drilling đã có việc làm xuyên suốt giai đoạn 2024 - 2025 và đã có giàn khoan nhận hợp đồng đến năm 2028.
Ban lãnh đạo PV Drilling ước tính giá thuê giàn khoan đạt trên 90.000 USD/ngày trong năm 2024 và tăng lên mức 102.000 USD/ngày trong năm 2025, với hiệu suất hoạt động lên đến 99% trong cả hai năm.