Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa có cuộc làm việc với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Chiều ngày 13/9/2022, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm trưởng đoàn đã làm việc với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam về quản lý sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của Tập đoàn.

Tiếp và làm việc với Đoàn về phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có đồng chí Nguyễn Phú Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV; đồng chí Lê Hoàng, Phó Tổng Giám đốc cùng các ban liên quan.

hoa chat 1
Đồng chí Lê Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Báo cáo quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

Trong thời gian quan, để triển khai hoạt động KHCN đạt kết quả, theo đúng quy định của pháp luật, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã quan tâm đầu tư, tạo nguồn tài chính cho KHCN, thành lập Quỹ phát triển KHCN, xây dựng Quy chế quản lý hoạt động KHCN. Đối với các đơn vị thành viên, Tập đoàn đã khuyến khích các đơn vị thành lập, trích lập và sử dụng quỹ phát triển KHCN, tổ chức hội thảo phổ biến chính sách pháp luật và chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề thành lập và quản lý Quỹ KHCN.

Các đơn vị đã cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng và ban hành các quy đinh, quy chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động khoa học, công nghệ tại đơn vị mình. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ KHCN tại các đơn vị còn ở mức khiêm tốn do gặp khó khăn trong việc giải ngân nguồn quỹ.

Để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động KHCN, căn cứ theo quy định pháp luật, Tập đoàn đã thành lập Quỹ phát triển KHCN và nguồn hình thành quỹ theo quy định tại Điều 2 Quy chế chi tiêu sử dụng Quỹ KHCN. Giai đoạn 2016 – 2020 toàn Tập đoàn đã chi 265,7 tỷ đồng để triển khai hoạt động KHCN từ nhiêu nguồn kinh phí khác nhau.

Hầu hết số chi Quỹ KHCN để hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ KHCN đề tài, dự án KHCN xuất phát từ thực tiễn sản xuất kinh doanh tại các đơn vị thành viên, do các đơn vị thành viên chủ trì thực hiện. Các mức chi để triển khai tuân thủ quy định pháp luật hiện hành và quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn.

Hiện nay, các khoản chi từ Quỹ KHCN tập trung chủ yếu vào các hoạt động có tính chất nghiên cứu, triển khai các đề tài, nhiệm vụ KHCN, trong khi việc đầu tư đổi mới công nghệ còn hạn chế; Việc tiếp cận các nguồn Quỹ KHCN của các Bộ, Ngành, Nhà nước và huy động vốn từ các đơn vị thành viên chưa hiệu quả; Việc quy định kiểm soát chi chặt chẽ làm doanh nghiệp khó chủ động trong việc sử dụng đồng thời thiếu quy dịnh về xét duyệt, nghiệm thu các đề tài và dự án KHCN của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tách bạch nội dung chi cho KHCN và chi cho phát triển sản xuất kinh doanh do doanh nghiệp đầu tư cho KHCN cuối cùng phải quya lại phục vụ hoạt động sản xuất, không có hoạt động KHCN tách rời hoạt động SXKD.

Doanh nghiệp hiện nay thường quan ngại tới những rủi ro pháp lý do không thể phân tách 2 hoạt động này khi sử dụng Quỹ. Khi quyết toán kinh phí sử dụng Quỹ KHCN, cơ quan tài chính tại một số địa phương không thống nhất xử lý các nội dung chi thuộc đề tài, dự án mà doanh nghiệp đang triển khai.

Thực tiễn hoạt động của các viện nghiên cứu sau khi chuyển đổi cho thấy các đơn vị gặp nhiều khó khăn. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ gặp nhiều vướng mắc trong khâu thực thi; hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ được chuyển giao từ hoạt động KHCN sang hoạt động sản xuất kinh doanh không có tính cạnh tranh.

Đây cũng là khó khăn chung đối với các đơn vị trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế tự chủ… Thiếu đầu tư chiều sâu nhằm tăng cường năng lực công nghệ và cơ chế thu hút, phát triển nhân lực KHCN chất lượng cao khiến nhiều tổ chức KHCN có năng lực cạnh tranh thấp.

hoa chat 2

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nêu rõ: Hoạt động KHCN của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam được diễn ra thường xuyên, liên tục. Nếu không có hoạt động KHCN thì khó có thể tồn tại trong điều kiện cạnh tranh gay gắt.

Đồng chí cho rằng Quỹ này cần phải duy trì và hết sức cần thiết. “Nếu không hoạt động đổi mới, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật thì doanh nghiệp khó có thể tồn tại được, điều này được thể hiện rất rõ trong đợt dịch vừa qua” đồng chí nhấn mạnh. 

hoa chat 3

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao công tác KHCN của Tập đoàn và tin rằng trong thời gian tới với sự ủng hộ của lãnh đạo Tập đoàn, Tập đoàn có Viện nghiên cứu với đội ngũ nghiên cứu viên có trình độ với các quy chế hoạt động đầy đủ thì công tác KHCN sẽ đạt hiệu quả cao. Đồng chí cũng đề nghị Tập đoàn bổ sung các ý kiến, kiến nghị, làm rõ các vướng mắc bất cập trong hoạt động KHCN để hoàn thiện bản báo cáo.

 

PV