Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu
Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2018 của Tổng Cục Thống kê, GDP ba tháng đầu năm ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất quý I trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Chỉ số sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, cũng cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ các năm gần đây.
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp Phạm Đình Thúy, trong quý I, công nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở hầu hết các ngành. Điểm sáng ở bức tranh, cũng như năm 2017, vẫn là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp CBCT với mức tăng 13,56%. Đây là mức tăng cao nhất của ngành này trong 7 năm gần đây, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế với 2,46 điểm phần trăm.
IIP ngành công nghiệp CBCT tiếp tục tăng cao, đạt 13,9% , đóng góp 10,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung, với trụ cột chính là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học tăng 29,3% và sản xuất kim loại tăng 14%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I năm 2018Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp CBCT quý I/2018 tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp CBCT tại thời điểm 31/3/2018 ước tính tăng 6,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 13,5% so cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân quý I năm 2018 là 68,2%, thấp hơn tỷ lệ 71,9% của cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, cũng theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện quý I/2018 đạt 12,3 tỷ USD, tăng 58,8%, đóng góp gần 23% trong 54,31 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của ba tháng đầu năm, cho thấy sự tăng trưởng nhanh không chỉ cả sản xuất mà trong cả phân phối xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Tại thời điểm 1/3/2018, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp hầu hết đều giảm 0,1 - 2,7%, chỉ riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 4,3% và ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 13,4%, cho thấy tiềm năng phát triển và thu hút lao động của ngành chủ lực đóng góp nhiều cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Vai trò nổi bật của khu vực FDI trong ngành công nghiệp
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/3/2018 thu hút 618 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 2.121,6 triệu USD, tăng 25,4% về số dự án và giảm 27,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, ngành công nghiệp CBCT thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 1.296,3 triệu USD, chiếm 61,1% tổng vốn đăng ký cấp mới. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI vào ngành công nghiệp CBCT trong 3 tháng năm nay đạt 2.952,6 triệu USD, chiếm 75,5% tổng vốn đăng ký.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp CBCT đạt 491,4 triệu USD, chiếm 26% tổng giá trị góp vốn.
Từ quý III-IV năm 2017, Samsung đã có bứt phá trong sản xuất và phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của nền kinh tế trong quý I năm nay. Tính chung 2 tháng đầu năm doanh thu của tập đoàn này tại Việt Nam ước tính đạt 49,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Dự kiến, trong năm 2018, Samsung sẽ tăng trưởng tới gần 18% giá trị sản xuất, dự báo mức tăng trưởng vẫn sẽ ổn định trong quý II nhờ đà từ nửa cuối năm ngoái, nhưng tới quý III-IV năm nay sẽ chậm lại và giảm, ảnh hưởng nhiều tới kết quả tăng trưởng chung.
Tập đoàn đa quốc gia Samsung tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ từ nửa cuối năm 2017, kéo theo những kết quả tích cực vào đầu năm nayMột cái tên nữa cùng được đưa ra trong câu hỏi của báo chí dành cho Tổng Cục Thống kê về đóng góp của các doanh nghiệp FDI trong quý I/2018 là Formosa. Cũng trong năm 2017, Tập đoàn Formosa đã vận hành trở lại Công ty Formosa Hà Tĩnh với quy mô lớn và nhanh chóng, đưa Hà Tĩnh trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng IIP cao nhất quý I/2018, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do mới đi vào sản xuất lại nên đóng góp của Formosa vào tăng trưởng chung cũng chưa rõ nét, theo nhận định của Vụ Thống kê công nghiệp. Năm 2018 Formosa dự kiến tăng trưởng 26,7% với một số sản phẩm sản xuất chính là than cốc, thép và điện, nhưng trong tương lai sẽ mở rộng thêm nhiều lĩnh vực nữa và hướng đến phục hồi sau bê bối xả thải vào năm 2016.
Có thể thấy, các doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng và tích cực trong bức tranh công nghiệp Việt Nam quý I/2018 và đóng góp nhiều cho tăng trưởng chung, minh chứng rõ ràng nhất cho chính sách hiệu quả của Chính phủ trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp mà cụ thể là ngành CBCT.
Tuy nhiên, Tổng Cục Thống kê cũng bày tỏ hy vọng, trong bối cảnh cách mạng 4.0 đang phát triển và khoa học - công nghệ trên thế giới có nhiều chuyển biến mỗi ngày, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng sẽ chủ động vươn lên mạnh mẽ hơn, từ đó giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực FDI như hiện nay.