Cách đây hơn 50 năm, khi Đảng và Nhà nước huy động mọi nguồn lực bắt đầu thăm dò khai thác dầu khí thì hầu hết người Việt Nam vẫn chưa thể mường tượng ra giọt dầu là như thế nào chứ đừng nói đến những công trình đồ sộ như giàn khoan thăm dò khai thác. Cũng chỉ cách đây hơn chục năm, ngành cơ khí chế tạo của nhiều đơn vị trong ngành vẫn ở dạng sơ khai. Nhưng qua quá trình tích lũy kinh nghiệm, học hỏi không ngừng, các đơn vị trong ngành dầu khí đã từng bước làm chủ công nghệ, liên tục sáng tạo không ngừng để làm nên sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực cơ khí chế tạo.
Nhắc đến lĩnh vực cơ khí chế tạo, không thể không nhắc đến Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro - VSP). Năng lực thực tế của VSP được thể hiện khá sâu và rộng trong lĩnh vực cơ khí như chế tạo, cung cấp các cụm thiết bị/package/bình áp lực/các hệ thống công nghệ phụ trợ cho các công trình dầu khí, có thể cung cấp một loạt các dịch vụ chuyên sâu từ khoan thăm dò, khoan khai thác đến rải ống, cáp điện, xây dựng các công trình trên biển. Không những thế, VSP còn là đơn vị có lực lượng chuyên gia về bảo trì, bảo dưỡng các loại động cơ thiết bị chuyên dụng cho dịch vụ cảng biển, cần cẩu...
Với trọng trách phát triển công nghiệp khí, vận hành hệ thống thu gom hệ thống khí đồng hành trên cả nước, Tổng Công ty Khí Việt Nam – PVGAS cũng đã xây dựng hai đơn vị thành viên chuyên sản xuất đường ống và bảo ôn đường ống vận chuyển khí là Công ty Cổ phần sản xuất Ống thép DKVN (PV Pipe) và CP Bọc ống Dầu khí Việt Nam.
PV Pipe đã đưa vào sản xuất nhà máy Chế tạo ống thép dầu khí tại KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, tỉnh Tiền Giang. Đây là một trong những nhà máy sản xuất ống thép hàn thẳng – hồ quang chìm lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm trên dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại 3-Roll Bending của Thụy Sỹ - EU. Sản phẩm của nhà máy này đều đạt tiêu chuẩn khắt khe của Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API 5L, API 2B).
Với những ống dẫn dầu, khí dưới đáy biển luôn cần có nhiệt độ ổn định chống đông cứng, vón cục. Nên bên cạnh nhà máy sản xuất ống thép, hiện tại Nhà máy bọc ống tại KCN Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu của PVCoating có công xuất thiết kế khoảng 500km ống bọc/năm cho ống thép trần có kích cỡ từ 2” – 48” và chiều dày lớp bọc bê tông gia trọng từ 35mm-150mm với các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Với năng lực hiện có, PVCoating/PV Pipe đều có thể kết hợp cùng các các đơn vị trong ngành như PVE, VSP, PTSC, PVD và PVC để cùng tham gia đấu thầu tại các dự án EPC thi công đường ống dẫn dầu, dẫn khí, giàn khoan, công trình khí trong nước và quốc tế.
Rõ nhất về khả năng tự chủ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo của ngành dầu khí là công trình xây lắp giàn khoan tự nâng 120m nước Tam Đảo 05 do Công ty CP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) thực hiện. Đây là công trình được ví như niềm tự hào mới của trí tuệ và bản lĩnh những con người Dầu khí Việt Nam.
Ở đây, phải nói thêm rằng trước khi khởi công chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05, PV Shipyard đã được giao làm tổng thầu dự án “Giàn khoan tự nâng 90m nước” Tam Đảo 03. Đây cũng chính là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia đầu tiên do Việt Nam chế tạo, chất lượng tương đương với giàn khoan của Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc. Giàn khoan Tam Đảo 03 được đưa vào sử dụng, khai thác ổn định, hiệu quả từ tháng 6/2012. Và nếu như Tam Đảo 03 ghi tên Việt Nam vào một trong số ít nước trên thế giới chế tạo được giàn khoan loại này, Tam Đảo 05 là một bước nhảy vọt về chất, minh chứng cho thấy người Việt Nam đã có thể làm được những gì khó nhất trong nghề chế tạo giàn khoan.
Cụ thể, Tam Đảo 05 có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường, được thiết kế theo mẫu JU-2000E hiện đại nhất của Hoa Kỳ, kích thước 70,4x76x9,5m, khả năng chuyên chở 2.995 tấn, tổng khối lượng 18.000 tấn. Giàn Tam Đảo 05 có thể hoạt động thăm dò ở độ sâu nước biển 120m và khả năng khoan tới mỏ dầu, khí ở độ sâu 9km.
Đây cũng là công trình có kết cấu thép lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam với khối lượng gần 13.699, được trang bị nhiều hệ thống tối tân về thông tin liên lạc, thiết bị đánh giá địa chấn, hệ thống ống khoan, xử lý mẫu ban đầu… Toàn bộ công trình có giá trị 230 triệu USD. Giàn khoan Tam Đảo 05 cũng được trao giải thưởng về Khoa học Công nghệ cấp Nhà nước, với đánh giá là công trình mang tầm cỡ quốc gia sánh ngang các giàn khoan hiện đại nhất trong khu vực và thế giới.
Mặc dù, để chế tạo Tam Đảo 03 hay Tam Đảo 05, PV Shipyard vẫn mua thiết kế cơ sở của nước ngoài, nhưng việc thiết kế chi tiết, thực hiện lắp đặt hoàn thiện đều do các kỹ sư Việt Nam thực hiện. Chỉ tính riêng về thiết kế, đội ngũ kỹ sư của PV Shipyard phải thực hiện 805 bộ bản vẽ chi tiết (bố trí thiết bị, chạy hệ thống đường ống, phân bổ không gian…).
Theo ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Thiết kế PV Shipyard, mặc dù về giá trị chỉ chiếm 6% của dự án, nhưng thành công của dự án thiết kế chi tiết chiếm vai trò quan trọng, vì nếu có một sai sót trong thiết kế chi tiết sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Với đội ngũ hơn 70 kỹ sư thiết kế, PV Shipyard đảm nhận hoàn toàn các khâu thiết kế chi tiết, đầu bài mua sắm, bản vẽ chế tạo, phương án thi công và quy trình chạy thử.
Đặc biệt, về tỷ lệ nội địa hóa, nếu như giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 đạt tỷ lệ nội địa hóa 34,6% thì giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 đã đạt đến 46%. PV Shipyard không chỉ làm chủ được thiết kế chi tiết mà còn xử lý được những thách thức lớn khi chế tạo giàn khoan là phải chống và sửa biến dạng trong quá trình lắp đặt. Điều này đòi hỏi phải cực kỳ chính xác từ khâu thiết kế khối chân đế cho đến phần thân giàn.
Có thể thấy rằng, từ hai bàn tay trắng, những người thợ dầu khí đã góp phần chế tạo được nhiều sản phẩm cơ khí chế tạo chất lượng hàng đầu thế giới, xây dựng lên những công trình có tầm vóc quốc tế. Với sự đầu tư bài bản cùng tinh thần sáng tạo, quyết liệt của người dầu khí trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, các đơn vị trong ngành dầu khí không chỉ vươn lên trong sản xuất kinh doanh mà luôn nỗ lực bắt kịp về khoa học công nghệ, chế biến chế tạo hàng đầu thế giới về dầu khí.