"Theo kế hoạch, công ty sẽ cân nhắc đóng khoảng 200 cửa hàng không mang lại hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận trong quý 4/2023”.
Đây là thông báo của Công ty Cổ phần Thế giới Di động đưa ra hồi tháng 11/2023. Việc nhà bán lẻ quy mô đầu ngành đóng cửa lượng lớn cửa hàng ngay trước dịp cao điểm mua sắm cuối năm đã khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Dưới tác động của loạt yếu tố bất lợi, gồm: kinh tế toàn cầu giảm tốc, sức mua giảm, tồn kho tăng vọt, lãi suất biến động…, kết quả kinh doanh của Thế giới Di động đã rơi xuống vùng đáy 10 năm trở lại đây.
Những khó khăn của Thế giới Di động cũng chính là những gì mà cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2023 vừa qua.
Câu hỏi mà không ít lãnh đạo doanh nghiệp đặt ra là: Vậy, sẽ phải lựa chọn gì trong bối cảnh này - một bối cảnh mà chưa bao giờ mọi thứ trở nên thách thức đến thế.
Thế giới Di động: “Đại phẫu” để “tái sinh”
Nhìn vào ngay chính câu chuyện của Thế giới Di động, hãng bán lẻ này đã lựa chọn phương án “tái cấu trúc toàn diện” mọi khâu trong quá trình kinh doanh, từ khối cửa hàng, mua hàng, kho vận, đến các phòng ban hỗ trợ, từ quy mô các chuỗi - ngành hàng - cửa hàng, rà soát loại bỏ lãng phí, chỉ giữ lại các hoạt động kinh doanh tạo ra giá trị ở hiện tại hoặc tương lai gần.
Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng cao và dồn sức mở rộng, đây được xem là cuộc “đại phẫu” lớn nhất trong 20 năm hoạt động của Thế giới Di động, thậm chí lớn hơn cả lần tạm ngưng 600 cửa hàng vì đại dịch COVID-19 vào năm 2021. Lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2023 của Thế giới Di động chỉ đạt 77,5 tỷ đồng, “bốc hơi” 98% so với cùng kỳ năm 2022.
Quá trình này chắc chắn gây ra nhiều xáo trộn, nhưng với chi phí vận hành vài nghìn cửa hàng thuộc nhiều chuỗi bán lẻ khác nhau trên toàn quốc, thì việc tái cơ cấu các bộ phận hoạt động kém hiệu quả được xem là điều cần thiết để “cứu” toàn bộ hệ thống.
Đồng thời, hãng bán lẻ này cho biết đang tập trung tinh gọn bộ máy, thay đổi cách thức kinh doanh để thích ứng với nhu cầu thực tế của khách hàng trong bối cảnh mới.
Thế giới Di động cũng tập trung tối ưu hoá quản trị vốn lưu động, đặc biệt là tăng tích trữ tiền mặt nhằm sẵn sàng “bung sức”, mở đường cho sự quay lại bền vững khi thị trường thuận lợi hơn. Tính đến cuối tháng 9/2023, các khoản tiền mặt và tiền gửi của Thế giới Di động đã đạt gần 1 tỷ USD, chiếm đến 40% tổng tài sản.
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động thừa nhận, trước đây, khi doanh nghiệp "đang thắng như chẻ tre thì thường chủ quan" nhưng “trong khó khăn luôn có cơ hội”, việc chủ động giải quyết các vấn đề nội tại, mạnh mẽ cắt bỏ những cản trở, cùng với sự chuẩn bị tài chính tốt sẽ là yếu tố tiên quyết để công ty có thể vượt qua khủng hoảng.
"Như vậy, năm sau chỉ có những thứ đem lại hiệu quả mới tiếp tục được đầu tư, tập trung và dồn nguồn lực để đem lại nhiều lợi ích hơn. Những gì thuộc hệ kém hiệu quả, sẽ được di dời ra khỏi công ty", ông Nguyễn Đức Tài cho biết.
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động: "Tôi tin rằng mỗi thành công hay thất bại đều mang lại bài học kinh nghiệm sâu sắc, là trải nghiệm quý báu giúp đội ngũ lãnh đạo kế thừa luôn tỉnh táo, thận trọng và kỷ luật trong các quyết sách điều hành doanh nghiệp”.
Tập đoàn Hòa Phát: Chấp nhận giải pháp đặc biệt
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, giá thép trong nước đã giảm giá liên tục 19 lần, xuống mức thấp nhất nhiều năm trở lại đây, cùng với đó là sức tiêu thụ yếu, khiến hàng loạt doanh nghiệp thép liên tục báo lỗ. Lúc này, nhiều người nhắc đến “lời tiên tri” đã ứng nghiệm của ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát đưa ra trong năm 2022.
Khi đó, ông Trần Đình Long đã cảnh báo về tương lai “thê thảm” của ngành thép trong bối cảnh nhiều biến động. Trong hai tháng cuối năm 2022, Hoà Phát đã phải đóng cửa 4/7 lò cao và duy trì sản lượng ở mức thấp nhất có thể.
Sản xuất thép là quá trình tích hợp đồng bộ, thường vận hành liên tục 24h/7 ngày trong cả năm, ngoại trừ trong giai đoạn bảo dưỡng và nâng cấp. Việc dừng hoạt động lò cao, đương nhiên, là quyết định không dễ dàng với bất kỳ nhà sản xuất thép nào, nhất là với Hoà Phát do sản xuất tối đa sẽ giúp tối thiểu chi phí.
Hoà Phát cũng quyết định dừng toàn bộ hoạt động đầu tư mang tính chiến lược tại Australia, bao gồm kế hoạch đầu tư vào các mỏ quặng sắt và mỏ than. Trước đó, loạt dự án này được kỳ vọng sẽ giúp Hoà Phát khép kín chuỗi sản xuất thép.
Nói về những quyết định trên, ông Trần Đình Long đánh giá rất “đau xót vì cắt đi là tốn kém” nhưng đây vẫn là những quyết định hợp lý nhằm “đảm bảo tính sống còn” cho Hoà Phát. Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát cũng quyết định, toàn bộ nguồn lực hiện có sẽ được dồn cho Dự án sản xuất gang thép Dung Quất 2 trị giá hơn 3 tỷ USD.
Thực tế cho thấy, bất chấp các khó khăn chung, Hoà Phát đã có lãi trở lại ngay từ quý 1/2023 và mức lãi này liên tục được cải thiện qua các quý, vượt trội so với mặt bằng chung toàn ngành thép. Các lò cao cũng dần được tái khởi động toàn bộ trở lại. Qua đó, cho thấy việc tái phân bổ nguồn lực, ưu tiên quản trị hàng tồn kho, tiết giảm chi phí vận hành, và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường của Hoà Phát đã phát huy hiệu quả.
Đồng thời, với việc “thu hẹp” phạm vi đầu tư, Hoà Phát đã đẩy nhanh được tiến độ thực hiện Dự án Dung Quất 2, dự kiến bắt đầu vận hành ngay từ quý 1/2025. Dự án này sẽ giúp nâng công suất thép HRC tăng lên gấp đôi, cho phép chuyển hướng mạnh sang mảng thép chất lượng cao phục vụ công nghiệp cơ khí, chế tạo, đón đầu giai đoạn phục hồi của thị trường.
Ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát: “Nhiều người trên thương trường chê Hoà Phát bảo thủ, nay phải thừa nhận là chúng tôi đúng. Để vững vàng như vậy thì chúng ta phải chấp nhận có biện pháp đặc biệt”.
TNG: Kiên định chủ trương không cắt giảm công nhân
“Thiếu đơn hàng trầm trọng” có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất đối với ngành Dệt may trong năm vừa qua. Nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết doanh thu năm 2023 ước tăng 4,6% so với năm 2022, đạt 7.085 tỷ đồng - mức cao nhất lịch sử 45 năm hoạt động. Với một doanh nghiệp có đến hơn 98% doanh thu đến từ kênh xuất khẩu, phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Hoa Kỳ, Pháp, Canada… thì những con số trên được xem là một kỳ tích!
TNG xác định đảm bảo nguồn lực lao động là nền tảng cốt lõi để vượt qua các khó khăn, tạo sự phát triển bền vững trong dài hạn. “Do đó, dù cắt giảm gì, cũng không cắt giảm công nhân”, ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT TNG cho biết.
Để duy trì sản lượng, đảm bảo việc làm cho người lao động, doanh nghiệp này đã chấp nhận thực hiện các đơn hàng nhỏ, biên lợi nhuận mỏng, thậm chí chỉ đủ hoà vốn. Điều này đã khiến biên lợi nhuận của TNG giảm đáng kể, nhưng đổi lại hơn 18.000 lao động đã có việc làm xuyên suốt năm với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng, gần như không đổi so với năm 2022.
Cái được nhiều hơn nữa là, những nỗ lực trên giúp người lao động yên tâm gắn bó và cống hiến vì doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng sản phẩm và năng suất lao động - hai yếu tố sống còn đối với ngành Dệt may. Nhờ đó, các sản phẩm của TNG luôn “ghi điểm” với đối tác nước ngoài, ông Nguyễn Văn Thời chia sẻ.
Cùng với đó, TNG đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dựa trên thị hiếu tiêu dùng “xanh” của các thị trường phát triển. Điển hình, doanh nghiệp đã phát triển sản phẩm bông đen sử dụng cho may mặc bằng cách tái sử dụng nguyên phụ liệu dư thừa sau sản xuất nhằm vừa tận dụng nguyên liệu, vừa giảm ô nhiễm môi trường.
Việc đảm bảo chế độ người lao động cùng các hành động cụ thể về phát triển bền vững trở thành hai trụ cột để giúp TNG dễ dàng “chinh phục” loạt đối tác mới như Walmart, H&M… vốn có yêu cầu cao về tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị). Đây chính là nguồn việc tiềm năng để TNG sẵn sàng bứt tốc trong năm 2024.
Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG: “Chúng tôi tin rằng, không có bối cảnh nào chỉ có khó khăn và thách thức. Chắc chắn sẽ có cơ hội cho những doanh nghiệp đã xây dựng được một nền tảng vững chắc, có nội lực mạnh mẽ, chiến lược rõ ràng, có khả năng thích nghi với yêu cầu mới của thị trường”.
Sao Ta và chiến lược “Biết mình, biết người”
Tương tự như ngành Dệt may, lạm phát neo cao khiến người tiêu dùng trên toàn cầu thắt chặt hầu bao, lựa chọn thực phẩm giá rẻ. Kéo theo đó, nhu cầu tiêu thụ tôm - loại thực phẩm vốn được định vị là hải sản cao cấp lao dốc. Đồng thời, ngành tôm Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ Ecuador và Ấn Độ vốn có chi phí sản xuất thấp hơn nhiều. Theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước năm 2023 ước đạt 3,4 tỷ USD, giảm mạnh 21% so với năm 2022.
“Biết mình, biết người”, TS.Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta nói và khẳng định chính khẩu quyết này đã giúp công ty vững vàng trong vòng xoáy khủng hoảng của ngành tôm.
Cụ thể, trong khi thị trường xuất khẩu truyền thống là Mỹ gặp khó, Sao Ta đã chuyển hướng, dồn lực phát triển thị trường Nhật Bản. Để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đòi hỏi chất lượng rất cao, ít doanh nghiệp tôm đáp ứng được nhưng đơn giá thường ở mức cao.
Thị trường Nhật Bản vừa giúp công ty tận dụng tối đa lợi thế nhà máy với dây chuyền hiện đại, chuyên cung cấp các sản phẩm tôm chế biến sâu, vừa tránh cạnh tranh trực tiếp về giá với tôm nguyên liệu giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ.
Trong số các nước phát triển, nền kinh tế Nhật Bản cũng khá ổn định và chịu ít áp lực từ lạm phát hơn các quốc gia khác. Bên cạnh đó, khi đã tìm được đối tác cung cấp đáp ứng được chất lượng, các doanh nghiệp nhập khẩu Nhật Bản thường có xu hướng ít thay đổi nhà cung cấp, bao tiêu đầu ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu, TS.Hồ Quốc Lực cho biết.
Ngoài việc xoay chuyển thị trường, Sao Ta còn tăng cường liên lạc, nắm tình hình diễn biến khủng hoảng trên thế giới, đánh giá mức tiêu thụ, biến động thị trường… để phân bổ sản phẩm phù hợp.
Đặc biệt, TS. Hồ Quốc Lực chia sẻ, trong lúc khủng hoảng, “khách hàng tồn tại được thì chúng tôi mới tồn tại được”. Do đó, đơn hàng nào có tỷ suất lợi nhuận tốt thì Thực phẩm Sao Ta chủ động đề nghị chia sẻ khó khăn với bạn hàng, giảm giá cho đơn hàng.
Nhờ vậy, doanh số và sản lượng của Sao Ta đã phục hồi mạnh hơn so với mặt bằng chung toàn ngành. Kết thúc năm 2023, doanh thu của công ty chỉ giảm 12%, đạt hơn 200 triệu USD, và sản lượng tôm tiêu thụ tương đương năm 2022.
TS. Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta: “Hơn 30 năm trên thương trường, tôi hiểu rằng làm kinh doanh mà biết dựa vào nhau để sống thì mới bền vững. Thời buổi này, tìm đồng lời đã quá khó, nhưng chúng tôi hiểu đối tác tồn tại thì chúng tôi mới sống tiếp được”.
Biển lặng không tạo ra những thuyền trưởng tài ba và kim cương chỉ hình thành dưới áp lực. Qua khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp trở nên kiên cường hơn, khẳng định tầm nhìn và kế hoạch của mình.