Hãng nghiên cứu thị trường vận tải biển Clarkson Research cho biết, giá cước tàu chở hàng rời trên toàn cầu đang tiếp tục phục hồi tích cực kể từ quý 4/2023 với động lực tăng trưởng đến từ hoạt động xuất khẩu quặng sắt sôi động từ Brazil, hoạt động vận chuyển ngũ cốc ổn định tại Đại Tây Dương, và việc các tàu hàng vòng tránh khu vực Biển Đỏ khiến tuyến hải trình bị kéo dài đáng kể.
Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí carbon từ hoạt động vận tải biển cũng khiến các tàu phải di chuyển với tốc độ thấp hơn, khiến thời gian vận chuyển bị kéo dài và giảm hiệu suất sử dụng tàu.
Đối với cán cân cung - cầu trên thị trường vận tải hàng rời, cán cân hiện khá cân bằng khi dự báo tăng trưởng nhu cầu vận chuyển chỉ tăng 1,6%, trong khi tốc độ tăng trưởng đội tàu trên toàn cầu lên đến 2,3% trong năm nay.
Tuy nhiên, Clarkson Research nhận định giá cước thuê tàu hàng rời sẽ vẫn neo cao trong năm nay do các yếu tố căng thẳng địa chính trị khó có thể sớm chấm dứt và sự hồi phục kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu vận tải biển. Do đó năm 2024 vẫn được đánh giá “tích cực” với các hãng vận tải biển.
Theo nhận định mới nhất của VNDirect Research, với dự báo giá cước thuê tàu hàng rơi neo cao và đóng góp của các tàu mới, doanh thu vận chuyển hàng khô của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE) trong năm nay có thể tăng tới 69,6% so với năm 2023, chiếm 8,9% tổng doanh thu vận tải của PV Trans.
Bên cạnh đó, hai mảng kinh doanh cốt lõi của PV Trans là vận tải dầu khí và vận tải hoá chất, triển vọng thị trường vẫn duy trì vững chắc trong một vài năm tới.
Cụ thể, đối với thị trường vận tải dầu thô và nhiên liệu, Clarkson Research cho rằng triển vọng giá cước đang được hỗ trợ nhờ sự gián đoạn ở khu vực Biển Đỏ, gây ảnh hưởng chủ yếu đến việc vận chuyển xăng dầu thành phẩm. Đồng thời, hoạt động vận chuyển dầu thô khu vực Đại Tây Dương và giữa Nga - châu Á vẫn đang mạnh mẽ.
Trong khi đó, mức tăng trưởng đội tàu chở dầu thô trên toàn cầu trong ngắn hạn được nhận định vẫn “rất hạn chế” do mức đầu tư đóng mới tàu trong những năm vừa qua ở mức thấp. Hiện 85% đội tàu của PV Trans đang phục vụ thị trường quốc tế.
“Về cơ bản, cán cân cung - cầu hiện nay sẽ hỗ trợ giá cước thuê tàu chở dầu neo mức cao, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp có mức độ hoạt động cao trên thị trường quốc tế như PV Trans”, VNDirect Research nhận định.
Tương tự, giá cước vận tải hoá chất đang được hỗ trợ tích cực nhờ nhu cầu hoá chất tại châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc, tăng trưởng mạnh trong khi nguồn cung tàu tăng trưởng hạn chế.
VNDirect Research hiện dự phóng lợi nhuận ròng năm nay của PV Trans sẽ tăng khoảng 18% so với năm 2023. Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 22/3, thị giá cổ phiếu PVT đạt 28.700 đồng/cổ phiếu.