Từ trung tâm Hà Nội đi dọc theo Quốc lộ 6A, đến xã Phú Nghĩa, sau khi hỏi thăm người dân bản địa, bạn sẽ được chỉ đi theo con đường đất với những bức tường gạch đỏ dẫn đến cổng làng Phú Vinh.
Đi sâu vào bên trong đình làng Phú Vinh hiện ra với mái ngói đỏ tươi, với cây đa giếng nước. Cùng với sự thay đổi của cuộc sống hiện đại, làng nghề Phú Vinh giờ đây đang "thay da đổi thịt" với những con đường được bê tông hóa, cột điện thắp sáng quanh làng, cùng những tòa nhà cao tầng khang trang, hiện đại.
Các nghệ nhân trong làng thường truyền cho lớp con cháu về kinh nghiệm của những người đi trước, muốn sống và tồn tại với nghề luôn phải đặt chữ Tín lên hàng đầu.
Làm mây tre đan, đối với những sản phẩm đơn giản chỉ đòi hỏi ở người thợ sự chăm chỉ, cẩn thận. Tuy nhiên để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp đòi hỏi sự tinh xảo, nghệ thuật là mong muốn mà người dân Phú Vinh đang hướng tới, phải do những người thợ có bàn tay tài hoa, óc sáng tạo, tận tâm với nghề mới làm nên được.
Chính vì vậy, người Phú Vinh không ngừng tìm tòi, sáng tạo đã liên tục đổi mới mẫu mã sản phẩm, đề cao chất lượng để giữ chữ Tín với khách hàng. Từ các cách đan truyền thống là đan nong mốt, nong đôi, nong ba, với óc sáng tạo và bàn tay khéo léo, người làng mây tre Phú Vinh đã sáng tạo hàng trăm cách đan khác nhau như đan xương cá, kết hình hoa và kết hợp màu sắc, tạo hình hoa văn nổi, tạo ra nhiều mẫu mã sản phẩm tinh xảo, có tính thẩm mỹ cao.
Bên cạnh việc xuất khẩu, mây tre đan Phú Vinh cũng đang từng bước chinh phục thị trường nội địa