Trong hai ngày 12 và 13/10/2019 tại Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, Hội thảo “Đào tạo tiếng Anh đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - VietTESOL” đã chính thức được diễn ra cung cấp những thông tin quan trọng, đáng chú ý trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh cho cộng đồng.
Hội thảo do Phân hội nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh (thuộc Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) phối hợp cùng Trường đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) tổ chức với sự tham gia của hơn 400 chuyên gia, diễn giả, các nhà nghiên cứu, các giảng viên trong nước và nước ngoài.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Bùi Thị Ngân - Phó Hiệu trưởng HaUI cho biết, Hội thảo quốc tế VietTESOL mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa hết sức quan trọng, ghi nhận những đóng góp của hoạt động khoa học trong lĩnh vực giảng dạy ngoại ngữ đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội nước ta.
“VieTESOL là diễn đàn chuyên môn năng động, kết nối dành cho các chuyên gia, giảng viên, giáo viên giảng dạy tiếng Anh trao đổi kinh nghiệm chuyên môn và phát triển ý tưởng nghiên cứu về đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh.
Hội thảo cũng hướng tới mục tiêu tăng cường khả năng tiếng Anh và việc học tập suốt đời của các nhà chuyên môn và người học; thúc đẩy hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu và sử dụng tiếng Anh trong và ngoài Việt Nam”, Phó Hiệu trưởng HaUI nhấn mạnh.
Trong hai ngày diễn ra Hội thảo, các giảng viên, các chuyên gia, người học sẽ bàn luận để tìm ra giải pháp phát triển mục tiêu chương trình, nội dung đào tạo, kiểm tra, đánh giá, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động dạy học tiếng Anh cụ thể là nâng cao năng lực tiếng Anh và sự nghiệp sư phạm cho giảng viên, giáo viên, từ đó nâng cao năng lực tiếng Anh của người học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Hội thảo quốc tế VietTESOL lần này diễn ra trong 2 ngày với 165 báo cáo tại các phiên song song, các bài trình bày poster, triển lãm ứng dụng công nghệ trong giảng dạy. Ngoài ra, bên cạnh thời gian chính của Hội thảo, người tham dự có cơ hội tham gia các tour du lịch văn hóa quanh Hà Nội.
Cũng trong VietTESOL 2018, đã có gần 30 báo cáo viên là người nước ngoài đến từ các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Triều Tiên, Philippin, Canada... Bên cạnh bốn phiên toàn thể diễn ra tại Hội trường lớn, Hội thảo được chia thành 12 phiên song song để thảo luận theo ba chủ đề: Công nghệ trong dạy và học tiếng Anh; Phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá trong giảng dạy tiếng Anh; Tiếng Anh chuyên ngành theo định hướng nghề nghiệp.
Chia sẻ riêng với phóng viên tại Hội thảo về công tác đào tạo ngoại ngữ của HaUI, TS Bùi Thị Ngân cho hay, với 120 năm xây dựng và phát triển, HaUI là cơ sở đào tạo theo định hướng công nghệ ứng dụng hàng đầu của Việt Nam. Trong những năm qua, Trường đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc nâng cao năng lực Tiếng Anh cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động và xã hội, do đó đã triển khai áp dụng đề án đổi mới đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên giai đoạn 2015-2018, chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên về năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy.
Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO; ứng dụng phương pháp học kết hợp (blended leaming), theo định hướng nghề nghiệp; đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với các đối tượng sinh viên. Đề án đổi mới đào tạo ngoại ngữ của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ của cán bộ, giảng viên và sinh viên, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, chất lượng đào tạo, năng lực tiếng Anh của sinh viên được nâng cao; nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã ghi nhận và đánh giá cao chất lượng đào tạo cũng như khả năng tiếng Anh của sinh viên.