Nhu cầu thị trường thế giới và trong nước với sản phẩm HRC đang tăng lên rất cao so với trước đây, đặc biệt là Trung Quốc, gây áp lực lên nguồn cung HRC toàn cầu.
Tại Trung Quốc, chính sách cắt giảm sản lượng trong mùa đông đã chính thức bắt đầu, trong khi nhu cầu nội địa nước này với HRC lại tăng cao. Việc đồng đô la Mỹ giảm giá so với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng đã thúc đẩy các nhà máy tập trung vào bán trong nước. Điều này khiến cho nguồn cung HRC trên thế giới bị thiếu.
Với thị trường trong nước, theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá bán HRC từ tháng 10 trở lại đây đã có xu hướng tăng từ 15-20USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 10/2020 và hiện dao động quanh mức 550-570USD/tấn. Dù vậy, nhu cầu với mặt hàng này vẫn rất lớn.
Thực tế, tồn kho tại các nhà máy sử dụng thép cuộn cán nóng làm nguyên liệu đã giảm xuống mức thấp. Trong khi đó, thị trường cuối năm với các mặt hàng vật liệu xây dựng như tôn mạ, ống thép, thép kết cầu thường tăng trưởng tốt hơn do mùa mưa bão dần kết thúc, tiêu dùng cận Tết Nguyên Đán tăng.
Mặt khác, Việt Nam đã tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do FTA, điều này mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp tôn mạ, thép cán nguội, ống thép của Việt Nam. Tuy nhiên, các đơn hàng xuất khẩu đi thị trường Mỹ, EU cần chứng minh được nguồn gốc xuất xứ thép nền (HRC) sản xuất tại Việt Nam. Đó là những lý do các nhà máy trong nước tích cực đặt hàng HRC của Tập đoàn Hòa Phát.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhu cầu tiêu thụ thép cuộn cán nóng của Việt Nam hiện khoảng 12 triệu tấn/năm, trong khi năng lực sản xuất mới đạt khoảng 8 triệu tấn/năm (5 triệu tấn của Formosa Hà Tĩnh và trên 3 triệu tấn của Hòa Phát). Sản xuất HRC trong nước mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu nội địa.
Vì vậy Tập đoàn Hòa Phát đang tích cực thực hiện các thủ tục pháp lý nhằm đầu tư mở rộng dự án tại Dung Quất với trọng tâm là sản phẩm HRC, qua đó duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn trong dài hạn.