12/13 chỉ tiêu đạt và vượt

Tháng 11/2014, Việt Nam có 4 sự kiện vang dội trên các trang báo nước ngoài. Ngày 7/11, chúng ta phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế với lợi suất cố định 4,8%/năm, thấp hơn mức dự kiến là 5,125%/năm. Đây là mức lợi suất thấp nhất trong các đợt phát hành từ trước đến nay, lần lượt là 6,875%/năm và 6,755/năm đối với trái phiếu phát hành năm 2005 và 2010.

Theo Finance Asia, đợt bán trái phiếu của Việt Nam được đánh giá là một trong những đợt đấu giá thành công nhất thị trường nợ châu Á. Ông Rajeev De Mello làm việc tại Hãng Quản lý tài sản Schroder (Singapore) lý giải: "Kinh tế vĩ mô đang ổn định là yếu tố có lợi cho đợt phát hành của Việt Nam".

12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch 2014

1. Tốc độ tăng trưởng GDP;

2. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu;

3. Tỷ lệ nhập siêu; 4. Tốc độ tăng giá tiêu dùng;

5. Giảm tỷ lệ hộ nghèo;

6. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi ở khu vực thành thị;

7. Tạo việc làm;

8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo;

9. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, số giường bệnh/1 vạn dân;

10. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được xử lý;

11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường;

12. Tỷ lệ che phủ rừng.

Trước đó, ngày 3/11, Hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings đã nâng xếp hạng nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ B+ lên BB-, triển vọng cũng được nâng từ “ổn định” lên “tích cực”. Fitch cho rằng, Việt Nam đã có bước tiến trong ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước đã thắt chặt tiền tệ, khiến tăng trưởng tín dụng dự kiến giảm xuống 12% năm 2014, từ 32% năm 2010. Tăng trưởng GDP thực cũng vẫn tương đối mạnh khi đạt 5,6% trung bình 3 năm, cao hơn so với 3,7% của các nước đồng hạng. Tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao hơn các nước đồng hạng cũng góp phần vào triển vọng tăng trưởng.

Cũng trong tháng 11, Hãng PwC (Canada) công bố cuộc khảo sát hơn 600 lãnh đạo (CEO) doanh nghiệp, với 67% CEO có kế hoạch tăng đầu tư vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 12 tháng tới và Việt Nam xếp thứ 7 trong nhóm 10 nền kinh tế hàng đầu APEC được tăng cường đầu tư và thứ 6 trong 10 điểm đến hàng đầu của các nguồn vốn tư nhân.

Cuối tháng 11, Ngân hàng ANZ công bố báo cáo về niềm tin tiêu dùng của người Việt Nam trong tháng 11/2014. Theo đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã tăng vọt lên 140,9 điểm, cao hơn nhiều so với mức trung bình 133 điểm của 10 tháng năm 2014. Theo ANZ, chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng này tăng mạnh chủ yếu là do sự tự tin về tình hình kinh tế Việt Nam trong 12 tháng và 5 năm tới.

Cả 4 sự kiện trên đều chỉ ra rằng, sự thành công của Việt Nam do duy trì được các yếu tố ổn định kinh tế xã hội và những trợ lực từ phía Chính phủ đối với doanh nghiệp. Do đó, thật dễ hiểu trong 13 chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, chúng ta có 12 chỉ tiêu đạt và vượt, như Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vừa rồi.

Kiềng 3 chân của đầu tàu công nghiệp

Điểm nhấn của bức tranh kinh tế là sự phục hồi của sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng tăng khoảng 7% (cùng kỳ tăng 5,6%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,5% (cùng kỳ tăng 7,1%).

Chỉ số công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao hơn chỉ số sản xuất công nghiệp nói chung cũng đồng nghĩa với chỉ số công nghiệp khai thác (tài nguyên thiên nhiên) giảm, đúng với định hướng phát triển công nghiệp nước ta. Số liệu qua từng tháng cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp luôn dẫn đầu trong đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, và chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo luôn là động lực tăng trưởng cho chỉ số sản xuất công nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, có 3 yếu tố giúp cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có sức vươn mạnh mẽ trong suốt quãng thời gian từ đầu năm 2013 tới nay.

Thứ nhất, chúng ta đã làm tốt việc đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu (điện, than, xăng dầu…) trong bối cảnh từng bước thực hiện giá thị trường theo lộ trình đối với những mặt hàng này. Theo HSBC, việc đảm bảo nguồn cung năng lượng (điện, than, xăng dầu) là nhân tố quyết định khiến cho các nhà sản xuất tiên lượng được kế hoạch sản xuất và thực hiện tốt các đơn hàng.

Thứ hai, chúng ta tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu đối với các mặt hàng không khuyến khích và các mặt hàng trong nước đã sản xuất được. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh, tạo dựng những điều kiện để các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và miền núi khai thác và phát huy thế mạnh và tiềm năng của mình.

Thứ ba, đã có bước tiến đáng kể trong phát triển thị trường nội địa thông qua triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa.

Theo HSBC, với việc (i) bảo đảm cung cầu các mặt hàng thiết yếu; (ii) làm tốt giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích, mặt hàng trong nước đã sản xuất được; và (iii) có bước tiến trong phát triển thị trường nội địa là chiếc kiềng 3 chân giúp toàn ngành công nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành đầu tàu, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế.

Hai điểm “lột xác”

Cho đến nay, các chuyên gia kinh tế trong nước và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đều thống nhất cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định là nền tảng cho 3 khu vực động lực (kinh tế nhà nước, ngoài nhà nước và FDI) cùng phát huy. Tuy nhiên, nền tảng này không phải là cái “niêu Thạch Sanh”; chỉ trông chờ, khai thác nó, sẽ đến lúc cạn kiệt. Cho nên, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế luôn là nội dung được tập trung xem xét, nhất là khi Quốc hội đã quyết tăng mục tiêu tăng trưởng năm 2015 là 6,2%, cao hơn so với mức tăng 5,8% của 2014.

Và Chính phủ đã quyết định nhằm vào khâu cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những đột phá chiến lược, vì chúng đạt được hai điều kiện cần và đủ.

Thứ nhất, đây là khâu có khả năng tác động đồng thời với cả 3 khu vực động lực nói trên.

Thứ hai, quan trọng hơn, dư địa của khâu này còn rất lớn. Trong Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Báo cáo về môi trường kinh doanh năm 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng Việt Nam đứng thứ 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ, giảm 1 bậc so với năm 2012. Các tiêu chí đánh giá về môi trường kinh doanh của nước ta là rất thấp, nhất là bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư (xếp thứ 169), tiếp cận điện năng (xếp thứ 155), xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (xếp thứ 149), nộp thuế (xếp thứ 138), thành lập doanh nghiệp (xếp thứ 108).

Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng, thành lập, giải thể doanh nghiệp, thủ tục đầu tư...

Đặc biệt, với việc thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) mà nói như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thì lần sửa đổi này gần như đã “lột xác”, khắc phục được những yếu điểm, khiếm khuyết của hơn một chục năm thực hiện vừa qua. Nội dung cơ bản nhất được thay đổi trong Luật Đầu tư là phương pháp tiếp cận. Phương pháp tiếp cận trước đây là “chọn cho”, có nghĩa là trong luật quy định những lĩnh vực được phép đầu tư kinh doanh. Lần này, luật thay bằng phương pháp “chọn bỏ”, tức là được tự do đầu tư, kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Điểm “lột xác” thứ 2 là tất cả các doanh nghiệp Việt Nam không cần được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Hai điểm thay đổi căn bản này được kỳ vọng sẽ giúp cho việc thành lập doanh nghiệp tốn ít chi phí hơn, minh bạch, tiết kiệm thời gian hơn và người dân không bị bỏ lỡ thời cơ. Điều đó khuyến khích người dân chuyển từ đem tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng, mua vàng, mua USD cất trữ... sang đầu tư kinh doanh.