Đông Nam Bộ: Hợp tác phát triển thị trường cho hàng Việt

TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh miền Đông Nam Bộ (gồm Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) có diện tích chiếm 7,2% và dân số chiếm 16,34% dân số cả nước (theo điều tra dân số ngày


Tuy nhiên, trên thực tế, mạng lưới cung - cầu hàng hóa tại khu vực này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Theo một khảo sát gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) thì, công nhân trong các khu nông trường cao su tại Bình Dương, Bình Phước, hay những người dân ở Gia Kiệm, Long Khánh (Đồng Nai) vẫn phải trông chờ từng chuyến xe hàng (có khi đến cả tuần mới xuất hiện một lần), hoặc phải chạy xe máy hơn 30 cây số để mua các mặt hàng thiết yếu. Phần lớn một số xã thuộc vùng nông thôn ở các huyện phía Bắc của tỉnh Bình Dương như Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bến Cát, Tân Uyên còn thiếu nhiều các loại hình chợ, siêu thị, trung tâm thương mại phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Điều này đã phần nào bộc lộ những hạn chế trong khâu phân phối hàng hóa đến các vùng nông thôn. 

Chương trình hợp tác phát triển thị trường cho hàng Việt tại miền Đông Nam Bộ ra đời trong bối cảnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang diễn ra sôi nổi trên cả nước, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tại các địa phương, giải quyết đầu ra cho hàng Việt và phát triển hệ thống phân phối hàng. Chương trình được thực hiện dưới sự hợp tác của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DNHVNCLC) và 6 tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ, tập trung vào 5 mảng chính, là: Kết nối; Chia sẻ kinh nghiệm quản trị, bán hàng; Huấn luyện kỹ năng; Chương trình bán hàng chung và thông tin truyền thông quảng bá cho hàng Việt. 

Bà Rịa - Vũng Tàu là đơn vị đầu tiên đăng cai tổ chức hội nghị - triển lãm lần thứ nhất, với chủ đề: “Cùng tìm cơ hội phát triển thị trường miền Đông (ngày 14/2/2012). Những vấn đề chính được hội nghị đặt ra là: Tăng sự kết nối để tạo thị trường thông thương năng động hơn cho hàng Việt tại các tỉnh miền Đông; Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thâm nhập thị trường, nhất là về các vùng nông thôn; Tăng cường sức cạnh tranh cho hàng Việt vào chợ truyền thống song song với việc tiến hành nâng cấp chợ, phối hợp với quy hoạch thương mại của các tỉnh; Tăng cường truyền thông tiếp thị quảng bá chung cho hàng Việt; Vai trò của cơ quan Nhà nước với việc kiểm kiểm soát, ngăn chặn hàng trôi nổi kém chất lượng… 

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong việc đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng Việt, bằng việc triển khai Đề án “Phát triển hệ thống bán buôn bán lẻ trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020” và “Quy hoạch định hướng phát triển hệ thống chợ - siêu thị - trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2009 - 2015”. Trong 6 tháng đầu năm, Thành phố đã tổ chức được 130 ngày bán hàng lưu động luân phiên tại 10 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN Tân Thới Hiệp, KCX Tân Thuận…). Tính đến tháng 6/2012, đã có 9 KCX- KCN trên địa bàn thành phố có cửa hàng tiện ích. Ngoài ra, UBND thành phố còn phê duyệt 27 dự án với tổng mức đầu tư gần 3 ngàn tỷ đồng và tổ chức lớp tập huấn kỹ năng bán hàng cho tiểu thương, nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt. 

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, tại 5 tỉnh miền Đông Nam Bộ đã có 62 chuyến đưa hàng Việt đi phục vụ bà con nông dân vùng sâu vùng xa và công nhân các khu công nghiệp. Riêng Tây Ninh, ngoài hoạt động bán hàng, địa phương này còn tổ chức nhiều hoạt động liên quan tới kinh tế cửa khẩu như khảo sát tình hình trao đổi mua bán hàng hóa của cư dân biên giới qua cửa khẩu phụ Vàm Trảng Trâu, Tân Phú; hợp tác đầu tư giữa 2 huyện Bến Cầu - Svay Tiệp (tỉnh Svay Riêng - Campuchia) và tham gia các chương trình, dự án do Campuchia tổ chức. 

Đưa hàng Việt về nông thôn là một hoạt động được các địa phương đặc biệt quan tâm. Nếu như UBND TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị báo chí thực hiện chuyên trang về hàng Việt và phát động các cuộc thi viết về hàng Việt, thì UBMTTQ tỉnh Bình Dương phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình thực hiện các chuyên mục với chủ đề: đa dạng hóa các hoạt động của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển kênh phân phối - chìa khóa thành công để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường, vai trò của doanh nghiệp Việt trong Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Báo Bà Rịa - Vũng Tàu có chuyên mục “Bàn tròn doanh nghiệp”... 


Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại Đồng Nai



Kết thúc giai đoạn 1, Dự án “Hàng Việt vào chợ” đã thực hiện được chương trình tại 10 chợ thuộc 4 quận trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, thu hút trên 10.000 lượt người tiêu dùng tham quan mua sắm. Qua thống kê cho thấy, trên 1.000 tiểu thương tham gia các buổi huấn luyện kỹ năng bán hàng và kết nối trực tiếp với nhà sản xuất, doanh nghiệp mở được gần 100 điểm bán mới tại các chợ. 

Từ giữa tháng 8/2012, Dự án Vẽ bản đồ phân phối tỉnh Đồng Nai đã được triển khai. Sau khi hoàn thành vào giữa tháng 9/2012, Dự án sẽ cung cấp toàn bộ hình ảnh thật của mạng lưới phân phối, dòng chảy hàng hóa… để các nhà quản lý có thể điều hành tốt hoạt động thương mại và doanh nghiệp sẽ đảm bảo đưa hàng đến được cả những vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, theo bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc BSA, thì: “Việc đầu tư cho bản đồ phân phối khá khắc nghiệt, không phải do chi phí cao, mà điều quan trọng là chúng ta có thấy được việc đó là cần và phải vượt qua tất cả những bỡ ngỡ, hoài nghi về những phương thức mới mẻ. Và khi chúng ta đã có bản đồ phân phối rồi thì ai sẽ là nhạc trưởng chỉ huy việc sử dụng, đeo đuổi thử nghiệm này cho đến lúc hoàn toàn thành công”. Cũng theo bà Vũ Kim Hạnh, việc hợp tác triển khai vẽ bản đồ phân phối không chỉ đòi hỏi tâm huyết, tính chuyên nghiệp, mà còn đòi hỏi sự kiên định, ý chí trong việc phát triển mạng lưới thương mại. Việc tính toán của doanh nghiệp cộng với môi trường kinh doanh có tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà truyền thông có hỗ trợ hay không cũng là yếu tố quyết định đến thành công của doanh nghiệp. 

Tại Hội thảo - Triển lãm - Kết nối lần 2 giữa 6 tỉnh thành miền Đông Nam Bộ được tổ chức tại tỉnh Đồng Nai vào ngày 29/8/2012 vừa qua, những hoạt động chính nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển cho hàng Việt trong thời gian tới đã được các địa phương đặt ra, tập trung vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tạo điều kiện cho các DN xây dựng phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ tại địa phương; Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 nhà (nhà sản xuất, nhà bán lẻ với nhà phân phối nhằm đưa hàng hóa đến từng địa bàn nông thôn) và đẩy mạnh công tác tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên các kênh thông tin. Ông Lê Văn Dành - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết: “Thời gian tới, Đồng Nai sẽ tập trung nâng cấp các chợ truyền thống và phối hợp với DN trong việc phát triển hệ thống phân phối. Nỗ lực của chính quyền địa phương trong thời gian vừa qua đã có tác động đến các DN, nhất là các siêu thị. Đồng Nai đã kết hợp với Tập đoàn Vinatex triển khai xây dựng chuỗi siêu thị mini ở các khu công nghiệp, tạo điều kiện xây dựng hệ thống bán hàng vừa mang tính truyền thống lại vừa mang yếu tố hiện đại. Trong năm nay, toàn tỉnh sẽ có 6-7 siêu thị mini hoàn thành và đi vào hoạt động”. Còn ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Công ty Vissan đã chia sẻ về kinh nghiệm chinh phục thị trường: “Cửa hàng tiện dụng không phải chính là nơi kinh doanh, mà là nơi chúng tôi thông tin đến người tiêu dùng. Chúng tôi vẫn nhờ ở những cánh tay nối dài, đó là hệ thống phân phối. Các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, cửa hàng tiện dụng là nơi để chúng tôi tiếp cận gần hơn với thị trường, lấy thông tin thị trường để tạo ra những sản phẩm mới”.
Hy vọng, sau những khởi động tích cực này, sự hợp tác giữa chính quyền các địa phương với các cơ quan, doanh nghiệp sẽ tạo ra những động lực mới để thúc đẩy phát triển thị trường cho hàng Việt.