Vào lúc 11h00 sáng nay ngày 17/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 đã tăng nhẹ 0,12% lên 69,59 USD/thùng; giá dầu thô WTI giao tháng 9/2021 cũng tăng 0,15% lên 67,39 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 16/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 1,5% và giá dầu thô WTI giảm 1,7%.
Giá dầu thô bật tăng trở lại sau khi một số nguồn tin thị trường cho biết liên minh OPEC+ sẽ không tăng thêm sản lượng khai thác trong những tháng tới bất chấp việc Hoa Kỳ kêu gọi liên minh này gia tăng nguồn cung để giữ giá dầu thô ở mức hợp lý và cho rằng sản lượng khai thác hiện nay của tổ chức này đủ đáp ứng tình hình thị trường.
Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện đang kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Các thông tin này đã giúp trấn an tâm lý giới đầu tư trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu chịu tác động tiêu cực từ việc đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta tái bùng phát nghiêm trọng tại nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Nhật Bản. Trong tuần trước, chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thúc giục liên minh OPEC+ cần tăng sản lượng khai thác do giá dầu thô tăng cao sẽ đe doạ đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, chuyên gia phân tích Toshitaka Tazawa thuộc hãng chứng khoán Fujitomi Securities Co Ltd (Nhật Bản) cho biết “Ngưỡng hỗ trợ đối với giá dầu thô WTI hiện ở khoảng 65 USD/thùng và giới đầu tư sẽ có xu hướng bắt đáy khi giá trên thị trường về gần mức này. Dòng tiền bắt đáy đã diễn ra trong phiên giao dịch ngày 16/8.”
Tuy nhiên, sức nâng đỡ của dòng tiền bắt đáy cũng bị kìm hãm khi dữ liệu của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết sản lượng khai thác dầu đá phiến của nước này có thể đạt 8,1 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2021 – mức cao nhất kể từ hồi tháng 5/2020.
Bên cạnh đó, ông Toshitaka Tazawa cũng cảnh báo sự phục hồi của giá dầu thô cũng sẽ chịu áp lực từ việc biến chủng Covid-19 Delta lây lan nhanh trên toàn cầu khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu có thể suy yếu.
Hiện thị trường đang lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sẽ suy yếu. Dữ liệu chính thức của nước này cho thấy hoạt động lọc dầu tại các nhà máy lọc hoá dầu tư nhân Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.
Sản lượng công nghiệp cũng như doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 7/2021 đều giảm mạnh, thấp hơn so với mức dự báo của giới phân tích khi nước này siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng nhiên liệu.