Kết quả khảo sát mới đây của hãng tin Reuters đối với 80 nhà chiến lược kinh doanh ngoại hối trên toàn cầu cho thấy giới phân tích nhận định môi trường lãi suất hấp dẫn, vốn là động lực lớn nhất tạo nên quyền lực của đồng USD trong hơn 2 năm qua, giờ đã suy yếu. Điều này được thể hiện qua việc lợi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ giảm trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) vừa cho biết sẽ duy trì lạm phát ở mức cao hơn và sử dụng các chính sách tiền tệ để hỗ trợ thị trường việc làm. Những điều này đã khuyến khích giới đầu tư bán ra đồng USD, trong khi đó các nhà đầu tư đầu cơ tiền tệ tăng cường đặt cược vào xu hướng giảm của đồng USD.
Giá trị của đồng USD hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và giảm khoảng 10% so với mức cao kỷ lục được thiết lập hồi tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan ra toàn cầu. Trong ngày 1/9 vừa qua, lần đầu tiên kể từ năm 2018, 1 đồng EUR đã đổi được 1,20 đồng USD. Việc FED có thể giữ mức lãi suất ở mức thấp trong thời gian dài có thể khiến đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu nhẹ trong năm 2021.
Ông Lee Hardman, chuyên gia kinh tế tiền tệ tại tập đoàn tài chính MUFG cho biết, nguyên nhân chính khiến đồng USD giảm mạnh trong thời gian gần đây là do các động thái điều hành chính sách tiền tệ của FED. Về cơ bản, FED đã hạ lãi suất về cận mức 0%, khiến chênh lệch lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ so với các quốc gia khác bị thu hẹp. Sự chênh lệch mức lợi suất trái phiếu này từng giúp duy trì đồng USD mạnh trong những năm trước, song vị thế của đồng USD hiện nay sẽ không còn như trước nữa.
Những bất ổn chính trị tại Hoa Kỳ trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống tại nước này vào tháng 11 tới đây cùng những lo ngại về triển vọng phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang làm suy yếu vị thế của đồng USD. Hầu hết các chuyên gia tham gia khảo sát của Reuters nhận định những động thái trong chính sách của FED sẽ là động lực lớn nhất tác động lên vị thế của đồng USD trong những tháng còn lại của năm nay.
Đồng EUR là đồng tiền hưởng lợi chính từ việc đồng USD suy giảm, đặc biệt là sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói hỗ trợ kinh tế mới trị giá tới 750 tỷ Euro (khoảng 888,5 tỷ USD) nhằm giúp các quốc gia Châu Âu khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra và nguồn tiền cho gói hỗ trợ này sẽ được huy động thông qua việc phát hành trái phiếu chung của liên minh EU. Kể từ khi gói hỗ trợ được thông qua, đồng EUR hiện đã tăng hơn 3,5% so với đồng USD.