Thứ Hai – 24/8
Khi chủ trì cuộc họp các cố vấn chính trị và kinh tế hàng đầu Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra cảnh báo nền kinh tế nước này sẽ đối mặt “thời kỳ bất ổn” với những rủi ro gia tăng trên các thị trường bên ngoài buộc giới chức nước này phải dựa nhiều hơn vào nhu cầu trong nước để hỗ trợ tăng trưởng. Cuộc họp là nhằm soạn thảo kế hoạch 5 năm lần thứ 14 dự kiến sẽ được công bố tại cuộc họp hàng năm của Quốc hội Trung Quốc vào năm sau.
Đánh giá về các triển vọng trung và dài hạn của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Chủ tịch Trung Quốc cho rằng thị trường trong nước sẽ “chi phối chu kỳ kinh tế quốc gia” trong tương lai nhưng cam kết sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế. Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh thiện chí của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ trong việc giải quyết các xung đột giữa hai quốc gia.
Thứ Ba – 25/8
Nhằm kích cầu tiêu dùng để giúp nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ Anh đã thực hiện chiến dịch “Eat out to Help out”, chi trả 50% hoá đơn nhà hàng, quán cà phê hay quán rượu cho người dân trong tháng 8/2020. Khoản thanh toán không được vượt quá 10 Bảng Anh tương đương 13 USD/người và chỉ áp dụng trong các ngày thứ 2, 3 và 4. Chính phủ Anh hiện đã chi trả tổng số tiền khoảng 441 triệu USD cho 64 triệu hoá đơn hợp lệ, tương đương gần với tổng dân số 67 triệu người của Anh.
Chiến dịch này nhằm hỗ trợ 1,8 triệu lao động trong ngành dịch vụ ăn uống du lịch tại Anh. Trong giai đoạn từ tháng 4 – 8/2020, ngành dịch vụ ăn uống, du lịch của Anh đã suy giảm tới 87% trước các tác động của đại dịch Covid-19. Mặc dù đã đạt được những kết quả tốt nhiều chuyên gia lo ngại chương trình kích cầu tiêu dùng khó có thể giúp nền kinh tế phục hồi hoàn toàn. Thêm vào đó, gói hỗ trợ mùa dịch Covid-19 của chính phủ Anh cho người thất nghiệp sắp chấm dứt vào tháng 10/2020 và hiện chưa có một chương trình cứu trợ nào khác đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Thứ Tư – 26/8
Theo thống kê, số nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường chứng khoán Malaysia đã đạt mức kỷ lục trong năm nay. Điều này trái ngược hoàn toàn với việc các quỹ ngoại liên tiếp rút khỏi các thị trường chứng khoán ở châu Á. Tính tới thời điểm hiện tại, dòng tiền của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã giúp chỉ số FTSE Bursa Malaysia KLCI Index, chỉ số chứng khoán chuẩn của Malaysia, phục hồi gần như hoàn toàn sau cú bán tháo hồi tháng 3. Tính đến ngày 25/8, chỉ số này còn giảm 2,1% trong năm nay, một mức giảm rất nhỏ nếu so với nhiều chỉ số chính khác ở Đông Nam Á.
Cơ quan quản lý chứng khoán Malaysia cho biết các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã mua ròng 1,53 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2020. Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút số tiền lên tới 3,79 tỷ USD trong giai đoạn này. Giới phân tích nhận định các gói cứu trợ và biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Malaysia đối với đại dịch Covid-19 đang giúp nhóm các nàh đầu tư nhỏ lẻ nước này có nguồn tiền nhàn rỗi để tham gia thị trường chứng khoán, tạo điều kiện giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ.
Thứ Năm – 27/8
Hãng tin Bloomberg cho biết Trung Quốc đã bất ngờ đồng ý nhượng bộ với Hoa Kỳ khi cho phép giới chức Hoa Kỳ kiểm toán một số doanh nghiệp “nhạy cảm” của Trung Quốc nhưng vẫn bảo lưu quan điểm giữ một số thông tin vì lý do an ninh quốc gia. Cụ thể, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Trung Quốc Fang Xinghai khẳng định Trung Quốc hoàn toàn “chân thành” muốn giải quyết các xung đột kéo dài nhiều năm với Hoa Kỳ thông qua việc đề xuất cho phép các quan chức Hoa Kỳ kiểm toán bất kỳ doanh nghiệp nào của Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang gia tăng mạnh mẽ sức ép lên Trung Quốc nhằm kiểm toán những doanh nghiệp Trung Quốc có niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã đe doạ có thể huỷ niêm yết các doanh nghiệp công nghệ lớn của Trung Quốc như Alibaba và Baidu nếu như yêu cầu của Hoa Kỳ không được đáp ứng. Ông Fang Xinghai cho biết vẫn đang đợi phản hồi của phía Hoa Kỳ.
Thứ Sáu – 28/8
Bài phát biểu trực tuyến trong khuôn khổ hội nghị Jackson Hole của ông Jerome Powell – Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã phát đi tín hiệu chính thức về việc thay đổi chính sách tiền tệ mang tính bước ngoặt. Cụ thể, FED sẽ bỏ đi chính sách sớm nâng lãi suất nhằm ngăn lạm phát tăng cao; động thái này chắc chắn sẽ khiến cho lãi suất đồng USD tại Hoa Kỳ duy trì ở mức thấp trong thời gian dài. FED muốn lạm phát tại Hoa Kỳ tăng nhẹ lên ngưỡng 2% trong thời gian tới.
Việc FED thay đổi mạnh mẽ định hướng lãi suất nhằm giải quyết những khó khăn của môi trường vĩ mô lãi suất thấp, lạm phát thấp, năng suất lao động thấp, tăng trưởng chậm và các khó khăn đi kèm. Ông Jerome Powell nhấn mạnh “Chúng tôi (FED) thực sự cố gắng bằng mọi cách giúp ổn định nền kinh tế”.
Đã nhiều năm nay, FED nêu quan điểm kiềm chế lạm phát làm lý do để rút đi các kế hoạch kích thích kinh tế khi mà kinh tế phục hồi, đặc biệt khi mà thất nghiệp giảm xuống dưới một mức kỳ vọng.
Tình trạng kinh tế suy thoái do đại dịch Covid-19 đã tạo ra quá nhiều thách thức cho các nhà điều hành chính sách tiền tệ. FED đã buộc phải hạ lãi suất cơ bản đồng USD khẩn cấp xuống ngưỡng gần 0% trong tháng 3/2020 từ ngưỡng 1,5% đến 1,75% trước đó. Đồng thời, cơ quan này cũng mua hàng nghìn tỷ USD tài sản chính phủ nhằm ổn định thị trường tài chính.