HSBC hôm nay đã công bố báo cáo “Vietnam at a glance” nhìn lại kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2020.
Dù rằng Việt Nam có quý tăng trưởng kinh tế so với cùng kỳ thấp kỷ lục, nhưng ít nhất Việt Nam vẫn tăng trưởng dương trong quý 2/2020 và điều này gây ngạc nhiên với nhiều người. Lĩnh vực dịch vụ chịu tác động nặng nề bởi ngành du lịch trở nên cực kỳ khó khăn. Các ngành nội địa trong khi đó khá vững vàng.
Nhờ vào sự hội nhập mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hoạt động sản xuất các sản phẩm điện tử đã bù lại cho sự yếu đi của các ngành sản xuất truyền thống. Nhìn chung, kinh tế Việt Nam đang hồi phục nhanh hơn so với tính toán trước đây của HSBC nhờ vào khả năng kiềm chế tốt đại dịch Covid-19 sau khi tái mở cửa nền kinh tế.
HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 lên 3,0% từ 1,6% trước đó. Tuy nhiên, HBSC hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống còn 8,5% từ 9,1% trước đó.
HSBC nâng dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2020 lên 3,3% từ mức 2,7% trước đó bởi xét đến việc giá cả thực phẩm tăng mạnh. Khi mà kinh tế hồi phục nhanh hơn và lạm phát không tăng quá nhanh như tính toán trước đây, HSBC cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không tiếp tục hạ lãi suất cơ bản tiền đồng trong quý 3/2020. HSBC cho rằng lãi suất tái cấp vốn của Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức 4,5% trong suốt năm 2020.
HSBC tin rằng có nhiều lý do để trở nên thận trọng. Nhìn từ bên ngoài, rủi ro của làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 có thể tác động xấu đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam. Trong nội địa, việc thị trường lao động gặp khó khăn khiến cho không ít chuyên gia đặt câu hỏi vậy quá trình phục hồi của kinh tế nội địa có thể duy trì được bao lâu.
HSBC khẳng định không hề ngạc nhiên với sự vững vàng của kinh tế Việt Nam. Dù phải đương đầu với quá nhiều khó khăn nhưng GDP Việt Nam quý 2/2020 vẫn tăng trưởng được 0,4% so với cùng kỳ, cao hơn kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, nhiều điểm sáng của kinh tế Việt Nam xuất hiện trong tháng 6/2020.
Trong báo cáo công bố lần này, HSBC xem xét kỹ hơn đến kinh tế Việt Nam trong quý 2/2020. Lĩnh vực dịch vụ đã vô cùng khó khăn. Những năm gần đây, lĩnh vực dịch vụ thường tăng trưởng đến 7% so với cùng kỳ thì đến gần đây, lĩnh vực dịch vụ suy giảm đến 1,8%, phản ánh tác động của các biện pháp hạn chế đi lại trên toàn cầu cũng như quy định giãn cách xã hội tại Việt Nam.
Trong khi đó, ngành sản xuất vững vàng hơn kỳ vọng. Không giống ngành dịch vụ, ngành sản xuất quý 2/2020 tăng trưởng được 3,2% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh tháng 6/2020, mức tăng trưởng đạt 9,3% chỉ riêng trong tháng này.
Chỉ số PMI của tháng 6/2020 tăng lên mức 51,1 điểm, lần đầu tiên chỉ số này vượt mức 50 trong vòng 5 tháng. Một số chỉ số khác như sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều phục hồi mạnh, điều này cho thấy ngành sản xuất phục hồi mạnh.
Bức tranh xuất khẩu của quý 2/2020 tại Việt Nam có nhiều điểm đáng chú ý, theo HSBC. Riêng trong quý 2/2020, xuất khẩu của Việt Nam giảm 9,4% và như vậy ghi nhận mức giảm sâu nhất trong 11 năm, tuy nhiên tác động của Covid-19 lên các ngành xuất khẩu không giống nhau. Ngành sản xuất hàng dệt may và da giày truyền thống trong quý 2/2020 giảm đến 25% so với cùng kỳ.
Điều này có nguyên nhân trực tiếp từ việc nhu cầu từ phương Tây giảm đi bởi Mỹ và châu Âu là hai khách hàng lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, tác động lên ngành xuất khẩu hàng điện tử nhẹ nhàng hơn. Xuất khẩu các sản phẩm kinh kiện điện tử và máy tính tăng đến 20%.
Áp lực giá cả tại Việt Nam đã giảm bớt đi do tác động làm giảm lạm phát từ đại dịch Covid-19. Lạm phát toàn phần từ mức 5,6% trong quý 1/2020 xuống còn mức tăng chỉ 2,85% trong quý 2/2020 bởi giá dầu thấp.