Theo công bố từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG - sàn HoSE), nhóm quỹ liên quan của Dragon Capital là Saigon Investments Limited vừa mua vào thêm 400.000 cổ phiếu HSG. Qua đó, nâng tỷ lệ sở hữu tại Tập đoàn Hoa Sen từ 9,98% lên 10,04% vốn điều lệ, tương đương 61,8 triệu cổ phiếu.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bộ Công Thương vừa quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Quyết định điều tra được ban hành dựa trên kết quả thẩm định theo quy định đối với Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá của 05 doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước: Tập đoàn Hoa Sen; Công ty Cổ phần Thép Nam Kim; Công ty Tôn Phương Nam; Công ty Cổ phần Tôn Đông Á và Công ty Cổ phần China Steel & Nippon Steel Việt Nam.
Theo đó, Bộ Công thương sẽ tiến hành điều tra hành vi bán phá giá từ ngày 1/4/2023 - 31/3/2024. Thời gian điều tra xác định thiệt hại là từ 1/4/2018 đến 31/3/2024.
Dựa trên các bằng chứng về hành vi bán phá giá của hàng hóa được điều tra do các doanh nghiệp yêu cầu cung cấp, biên độ phá giá của hàng hóa bị đề nghị điều tra từ Trung Quốc ở mức 69,23% và từ Hàn Quốc ở mức 3,41%.
Trước đó, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào năm 2017 với mức thuế cao nhất là 38,34%. Sau 5 năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ Công Thương quyết định chấm dứt lệnh này.
Đến năm 2023, các doanh nghiệp tôn mạ tiếp tục nộp hồ sơ để kiến nghị Bộ Công Thương khởi xướng điều tra lại vụ việc.
Theo dữ liệu thống kê, đà tăng tỷ trọng nhập khẩu tôn mạ từ trung Quốc và Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng nhanh từ đầu năm 2023 đến nay. Tính đến cuối tháng 4/2024, tỷ trọng tôn mạ xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm lần lượt 64% và 14% trong tổng lượng tôn mạ được nhập khẩu vào nước ta.
Với vị thế là doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường tôn thép Việt Nam, Tập đoàn Hoa Sen được kỳ vọng sẽ là đơn vị hưởng lợi nhiều nhất trong trường hợp biện pháp chống bán phá giá thép mạ Trung Quốc và Hàn Quốc được ban hành.
Theo báo cáo tài chính quý 2 niên độ tài chính 2024 (tương đương quý 1/2024), hàng tồn kho trong quý đã tăng 49% so với quý trước. Trong đó, giá trị nguyên vật liệu chiếm 57% tổng giá trị hàng tồn kho, ghi nhận mức tăng 79%.
Tập đoàn Hoa Sen đẩy mạnh tích trữ hàng tồn kho ở vùng giá thấp khi giá thép cuộn cán nóng (HRC) - nguyên liệu đầu vào của tôn mạ liên tục đi ngang, tạo đáy trong vùng giá 530 - 550 USD/tấn.
Hiện một số tổ chức tài chính đánh giá, giá thép có khả năng sẽ tăng trở lại và bắt đầu chu kỳ mới kể từ cuối năm 2024 trong bối cảnh giá HRC tại thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc đã tạo đáy trung hạn; thị trường bất động sản tại Trung Quốc hồi phục trở lại và hoạt động sản xuất chế tạo cùng với đầu tư công tại Việt Nam tăng trưởng trở lại.