Giá dầu có thể chỉ đảo chiều tạm thời
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay theo giờ Việt Nam, cũng là phiên giao dịch cuối cùng trong tuần trên thị trường quốc tế, giá dầu thô WTI giao sau giảm 1,3% ở mức 91,59 USD / thùng, bỏ lại mức 100 USD lần đầu tiên đạt được kể từ tháng 7/2021 trong phiên giao dịch trước đó. Giá dầu Brent giao sau cũng giảm 1,2%, còn mức 97,93 USD / thùng sau khi tăng lên trên 105 USD lần đầu tiên kể từ năm 2014 vào ngày thứ 4 vừa qua.
Xét trong tuần, giá dầu tăng 4,7% do các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng nguồn cung bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt đối với nhà xuất khẩu dầu thô lớn là Nga. Trong khi đó, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm tại Cushing, Oklahoma, có thể thúc đẩy dầu tiếp tục tăng thêm. Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi chặt chẽ cuộc đàm phán hạt nhân Iran. Hy vọng, một thỏa thuận tiềm năng có thể bổ sung nguồn cung hơn 1 triệu thùng/ ngày và giúp giảm bớt nguồn cung toàn cầu đang bị thắt chặt.
Giá dầu đã tăng liên tiếp bốn phiên trong tuần này trước sự bất ổn giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine, làm gia tăng những lo ngại về nguồn cung. Theo Nhà phân tích về năng lượng tại công ty nghiên cứu Commerzbank Research (Đức) Carsten Fritsch cho rằng gần như sự hoảng loạn trên thị trường do sự leo thang căng thẳng Russia-Ukraine đã lắng xuống, khi thực tế là các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga mà các nước phương Tây đã nhất trí cho đến nay sẽ không thể ảnh hưởng đến các nguồn cung năng lượng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo sự lắng dịu của thị trường có thể là tạm thời khi những yếu tố không chắc chắn vẫn còn. Ông Fritsch cho rằng Nga có thể đáp trả các biện pháp trừng phạt bằng việc giảm lượng dầu giao theo thỏa thuận riêng. Nếu Nga phản ứng bằng cách giảm xuất khẩu năng lượng, giá dầu có thể tăng mạnh trở lại. Điều này cũng sẽ khiến thị trường hướng sự chú ý đến các cuộc đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran được dỡ bỏ, Iran có thể sẽ nhanh chóng bổ sung thêm 1,5-2 triệu thùng dầu /ngày cho thị trường.
Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh sẽ nhóm họp vào ngày 2/3 tới để quyết định các mức sản lượng cho tháng Tư.Ông Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của tập đoàn ngân hàng và dịch vụ tài chính ING (Hà Lan), cho biết sự bất ổn tại Ukraine gia tăng vào đúng thời điểm khi thị trường dầu đã thắt chặt từ trước đó càng khiến cho thị trường này dễ bị tổn thương, và vì thế, giá dầu có thể sẽ vẫn biến động và tiếp tục xu hướng đi lên.
Trên thế giới nguồn cung dầu vẫn khan hiếm do nhu cầu phục hồi từ mức thấp của đại dịch. Các nhà phân tích cho rằng giá dầu Brent có khả năng duy trì trên 100 USD/thùng cho đến khi có nguồn cung thay thế đáng kể từ dầu đá phiến của Mỹ hoặc Iran.
Các nhà phân tích cũng cảnh báo về áp lực lạm phát đối với nền kinh tế toàn cầu nếu giá dầu lên 100 USD/thùng, đặc biệt là đối với châu Á, nơi nhập khẩu phần lớn nhu cầu năng lượng.
Thị trường vàng và kim loại ăn theo giá dầu
Không nằm ngoài chu kỳ giảm, giá vàng giảm xuống dưới 1.890 USD trong ngày hôm nay, mất đà so với đầu phiên do lo ngại về tác động kinh tế của cuộc xung đột Nga-Ukraine giảm bớt sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Trong khi đó, chỉ số giá PCE ở Mỹ, thước đo lạm phát của Fed, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982, trong khi chi tiêu tiêu dùng đánh bại các dự báo phản ánh khả năng phục hồi của người tiêu dùng trước áp lực giá cả ngày càng tăng.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank cho rằng việc giảm giá là quá sớm, có nguy cơ căng thẳng sẽ leo thang hơn nữa và giá giảm có thể chỉ là một sự điều chỉnh tạm thời.
Thị trường kim loại khác hầu hết cũng giảm theo giá dầu. Giá nhôm giảm khỏi mức cao kỷ lục do nhà đầu tư bớt lo ngại về nguồn cung điện ở phương Tây sau khi lĩnh vực năng lượng của Nga được loại khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây và khi một số thương nhân bán kiếm lời trước kỳ nghỉ cuối tuần.
Giá nhôm kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London giảm 0,9% xuống 3,364 USD/tấn, giảm khỏi mức cao kỷ lục 3,480 USD chạm tới hôm thứ Năm (24/2). Tính chung cả tuần, giá vẫn tăng khoảng 3%.
Nickel phiên này cũng giảm 1,9% xuống 24.240 USD/tấn, sau khi chạm mức cao nhất kể từ năm 2011 trong phiên trước đó.
Giá quặng sắt kỳ hạn của Trung Quốc sụt giảm trong phiên vừa qua. Quặng sắt giao dịch trên sàn Đại Liên giảm 3,1% xuống 681 nhân dân tệ/tấn, kết thúc tuần giảm thứ 4 liên tiếp.
Giá thép trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng giảm, với thép cây giảm 1,9% xuống 4.617 nhân dân tệ/tấn; thép cuộn cán nóng giảm 1,1% xuống 4.796 nhân dân tệ/tấn, trong khi thép không gỉ giao tháng 4 giảm 2,7% xuống 17.850 nhân dân tệ/tấn
Giá than tại Trung Quốc giảm mạnh do Chính phủ nước này đặt ra giới hạn giá.
Than luyện cốc trên sàn Đại Liên có thời điểm giảm 8,8% xuống 2.400 nhân dân tệ (380,19 USD)/tấn và kết thúc phiên ở mức 2.512 nhân dân tệ/tấn; tính chung cả tuần giảm 1,8%.
Giá than nhiệt trên sàn Trịnh Châu giảm 10% xuống 738 nhân dân tệ/tấn.
Giá than cốc trên sàn Đại Liên, kỳ hạn giao tháng 5, giảm 6,2% xuống 3.183 nhân dân tệ/tấn, tính chung cả tuần giảm 4%.
Cơ quan hoạch định chính sách của Trung Quốc đã đưa ra mức giá được gọi là "hợp lý" cho loại than nhiệt tiêu chuẩn 5.500 kcal giao dịch trung và dài hạn tại cảng Qinhuangdao ở mức 550-570 nhân dân tệ/tấn.