Khảo sát của chuyên trang tin thị trường vàng Kitco.com đối với 15 chuyên gia phân tích tại thị trường Wall Street cho thấy chỉ có 20% số người được hỏi dự báo giá vàng sẽ tăng lên, số người nhận định giá vàng giảm xuống lên tới 53% và 27% dự báo giá vàng sẽ đi ngang trong tuần này.
Trong khi đó, khảo sát trên thị trường Main Street với 927 nhà đầu tư, có 47% số người được hỏi dự báo giá vàng sẽ tăng lên, 38% dự báo giá vàng giảm và chỉ có 15% nhận định giá vàng không đổi trong tuần này.
Khảo sát của Kitco trên thị trường Wall Street chủ yếu tập trung vào các chuyên gia phân tích, giới đầu tư chuyên nghiệp, các tổ chức đầu tư nắm giữ lượng vàng lớn; trong khi đó, các nhà đầu tư tham gia khảo sát trên thị trường Main Street chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.
Với diễn biến này, giới phân tích đang nghiêng về xu hướng giảm với vàng tuần này. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, kỳ vọng giá vàng tăng lên vẫn chiếm ưu thế, nhưng không còn giữ áp đảo như những tuần trước.
Tâm lý thị trường trở nên tiêu cực hơn khi giá vàng thế giới trong tuần trước đã có mức giảm mạnh nhất theo tuần kể từ đầu tháng 2 đến nay. Tính chung cả tuần trước, giá vàng giao tháng 6 đã giảm 2,4%, xuống còn 1964 USD/ounce. Nguyên nhân chủ yếu do các dữ liệu kinh tế vĩ mô ổn định của Hoa Kỳ khiến thị trường gia tăng nhận định Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ tăng lãi suất trong tháng 6, kéo theo đó là đồng USD tăng giá mạnh.
Công cụ CME FedWatch, đo lường dự báo của thị trường đối với chính sách tiền tệ của FED, hiện cho thấy có đến 44% khả năng FED sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 6. Trước đó, gần như toàn thị trường dự báo cơ quan này sẽ tạm dừng tăng lãi suất.
Các diễn biến gần đây cho thấy giới chức FED đang lưỡng lự trong việc có nên tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 6 hay không, nhưng khá thống nhất trong việc cho rằng lạm phát lõi tại Hoa Kỳ vẫn ở mức cao nên việc siết chặt chính sách tiền tệ sẽ khó sớm dừng lại. Sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp, mức lãi suất cơ bản tại Hoa Kỳ hiện ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2007 - thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra.
Ông Marc Chandler, Giám đốc điều hành hãng giao dịch ngoại hối Bannockburn Global Forex (Hoa Kỳ), cho biết việc thị trường lo ngại FED tăng lãi suất và đồng USD mạnh lên đã tạo áp lực lên giá vàng nhưng giá vàng đã giữ được các ngưỡng hỗ trợ quan trọng, qua đó giúp diễn biến của giá vàng ổn định hơn trong phiên giao dịch cuối tuần.
Tuy nhiên, ông Marc Chandler cũng cho biết các chỉ báo động lượng - loại chỉ báo phân tích kỹ thuật phản ánh xu hướng và sự thay đổi của giá - đang cho thấy thị trường có khả năng đối diện với một đợt giảm khác. Trong trường hợp đó, giá vàng có thể giảm về vùng 1.936 USD/ounce.
Ông Michael Moor, nhà sáng lập hãng phân tích Moor Analytics (Hoa Kỳ), cũng cho rằng vàng có thể chịu áp lực mạnh hơn trong tuần tới, sau khi kim loại quý này đã mất hơn 100 USD kể từ mức đỉnh 2.060 USD/ounce hai tuần trước.
Bên cạnh đó, ông Adrian Day, Chủ tịch quỹ quản lý tài sản Adrian Day Asset Management (Hoa Kỳ), nhìn nhận những tiến triển trong việc giải quyết bế tắc trần nợ công của Hoa Kỳ sẽ là một lực cản ngắn hạn khác với giá vàng. Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý rằng xu hướng dài hạn của vàng vẫn là tăng lên.
"Các ngân hàng trung ương sẽ thấy rằng họ không thể đạt được mục tiêu giảm lạm phát về mức mong muốn bằng cách tăng lãi suất mà không gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và hệ thống tài chính", Adrian Day nhận định.
Trong giai đoạn vừa qua, vàng đã trở thành kênh đầu tư trú ấn hấp dẫn đối với giới đầu tư trước những lo ngại về các rối loạn trong hệ thống tài chính khi các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất ở mức nhanh nhất chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, việc FED tăng lãi suất đã khiến 3 ngân hàng khu vực (regional bank) có quy mô lớn tại Hoa Kỳ phá sản chỉ trong vòng 2 tháng qua.