Gần 6 triệu tấn thực phẩm “trôi sông”
Là quốc gia sản xuất nông nghiệp, với quy mô xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD/năm, chưa kể giá trị nông, thủy sản cung ứng cho thị trường nội địa, nhưng khâu bảo quản nông sản từ thu hoạch tới lưu thông của Việt Nam chưa hoàn thiện.
Theo một báo cáo của Tổng cục Môi trường, chuỗi thực phẩm tại Việt Nam thất thoát khoảng 5,75 triệu tấn mỗi năm, tương đương 60% lượng chất thải rắn của cả nước.
Cácdoanh nghiệpsản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản cần xem chuỗi cung ứng lạnh là cần thiết để giữ nguyên giá trị sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm tươi sống
Ông Julien Brun, Giám đốc CEL Consulting Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang để thất thoát một lượng lớn thực phẩm, cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, do chưa áp dụng công nghệ làm lạnh - mát để vận chuyển và bảo quản.
Nguyên nhân của sự lãng phí lớn này xuất phát từ thị trường logistics cung ứng lạnh - mát tại Việt Nam chưa hoàn thiện. Hiện ở Việt Nam chủ yếu là các nhà cung cấp dịch vụ nhỏ, phục vụ rời rạc cho một số điểm hay khu vực và chưa thể đáp ứng cho toàn chuỗi thực phẩm.
Ngoài việc công suất hệ thống kho lạnh toàn quốc chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng, thì cơ cấu kho lạnh chưa phù hợp với yêu cầu, đặc biệt thiếu kho lạnh bảo quản sâu cho hàng thủy sản. Bên cạnh thiếu hụt tổng công suất, còn có sự thiếu hụt do phân bố không hợp lý và trình độ công nghệ không đồng đều.
Kết quả từ cuộc khảo sát của CEL Consulting Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng khâu cung ứng, quá trình từ trang trại đến nhà bán lẻ, đã có hàng trăm tấn thực phẩm bị thất thoát mỗi năm bởi việc bảo quản sau thu hoạch, vận chuyển không bảo đảm. Trong đó, rau, củ, quả có mức độ thất thoát cao nhất, tới 30%, trong khi mức trung bình ở khu vực Đông Nam Á là 15%. Với mặt hàng thịt, tỷ lệ thất thoát, lãng phí là 14% và nhóm sản phẩm thủy - hải sản là 12%.
Mức thất thoát thực phẩm khá cao này khiến một lượng thực phẩm lớn, ước tính gần 50% không bao giờ đến được người tiêu dùng và nguy hại hơn, lượng thực phẩm thất thoát còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Dư địa lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ
Công ty ABA Cooltrans (ABA), doanh nghiệp có 10 năm kinh nghiệm trong hoạt động vận hành chuỗi logistics lạnh trên quy mô toàn quốc cho rằng, giải pháp logistics quan trọng để giảm thiểu mức lãng phí thực phẩm là gia tăng đầu tư và sử dụng dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh.
Với quy mô 200 xe và kho lạnh với 22.000 vị trí pallet, thông qua việc vận chuyển và lưu kho đúng sản phẩm, đúng thời gian và đúng nhiệt độ, ABA Cooltrans đang cung cấp dịch vụ cho những đối tác là hàng tiêu dùng và bán lẻ hàng đầu như: Big C, Vinmart, METRO, Unilever, Vinamilk, Kinh Đô và BEL.
Ông Lương Quang Thi, CEO ABA Cooltrans chia sẻ, chuỗi cung ứng lạnh cần thiết đối với nhiều ngành, từ sản xuất, chế biến nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, hàng không… Đó là phương pháp hiệu quả để vận chuyển sản phẩm tươi sống được trồng ở một khu vực xa xôi đến các điểm tiêu thụ trên thế giới. Đồng thời, đem lại lợi íchkéo dài vòng đời bán hàng của sản phẩm, có thể giảm thiểu thất thoát, nếu được tậndụng một cách hiệu quả để mang sản phẩm đến gần hơn hoặc lên kệ bán hàng.
“Chúng tôi có thể hợp tác với khách hàng thiết kế chuỗi cung ứng chuyên biệt hóa theo nhu cầu và đặc tính của từng loại sản phẩm, mà vẫn đảm bảo được chất lượng tiêu chuẩn”, ông Thi cho biết.
Ngành logistics được dự đoán là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết. Nhờ sự phát triển trong thị trường bán lẻ và quy mô ngày càng gia tăng của ngành sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ về cung ứng lạnh có dư địa tăng doanh thu và lợi nhuận.
Các hộ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản cần xem chuỗi cung ứng lạnh là cần thiết để giữ nguyên giá trị sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm tươi sống, đây không phải là chi phí tăng thêm. Nếu không thể đầu tư một hệ thống kho lạnh thì giải pháp cho tình trạng này là tìm kiếm các doanh nghiệp cung cấp kho lạnh chuyên nghiệp.
Trước xu hướng tiêu dùng gia tăng sử dụng thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm đông lạnh tại các đô thị lớn, cùng với việc gia tăng xuất khẩu nông nghiệp và các sản phẩm thủy sản đang tạo ra cơ hội tăng trưởng lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh.
“Thị trường chuỗi cung ứng lạnh sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, ước tính giá trị thị trường toàn cầu sẽ đạt 271,3 tỷ USD vào năm 2022. Tại Việt Nam, những doanh nghiệp nhanh chân đầu tư lớn cho hệ thống xe lạnh, kho lạnh lớn cũng như các hệ thống thiết bị khác sẽ thuận lợi trong việc chiếm lĩnh thị trường”, đại diện CEL Consulting nhận định.
Tính trung bình mỗi năm, Việt Nam lãng phí 694.000 tấn thịt, 7 triệu tấn rau củ quả các loại, 805.000 tấn thủy hải sản trong quá trình bảo quản sau nuôi trồng, đánh bắt cũng như vận chuyển, 168 triệu quả chuối.
Nguồn: CEL Consulting