TS. Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, đối với phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Nhà trường chia ra làm 2 nhóm theo tổ hợp xét tuyển.
Nhóm 1 xét tuyển theo tổ hợp A00, A01, D07 gồm các ngành thuộc khối ngành điện - điện tử, công nghệ thông tin, toán ứng dụng.
Nhóm 2 xét theo tổ hợp A00, A01, D07, D01 gồm các ngành thuộc các khối kinh tế, quản lý quản trị, xây dựng, cơ khí, đào tạo chất lượng cao.
Năm 2023, dải điểm trúng tuyển vào các ngành của Trường Đại học Giao thông vận tải từ 18 đến 26 điểm. Theo những phân tích về phổ điểm, dự đoán điểm chuẩn vào một số ngành của trường năm nay có thể tăng từ 0,25 đến 0,5 điểm.
Các ngành điểm chuẩn có khả năng tăng nhất vẫn là những ngành có "sức nóng" như Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá, Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật cơ khí,...
Trường Đại học Giao thông vận tải đã thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học hệ chính quy theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 dao động từ 17 đến 23 điểm. Đây là mức điểm tối thiểu của tổng điểm 3 môn thi theo tổ hợp xét tuyển cộng điểm ưu tiên (nếu có).
Đối với phương thức xét theo kết quả đánh giá tư duy năm học 2023 - 2024 của Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải nhận mức điểm sàn đăng ký xét tuyển là 50 điểm.
Năm 2024, Trường Đại học Giao thông Vận tải tuyển sinh theo 4 phương thức với hơn 6.000 chỉ tiêu các chương trình đại trà và chất lượng cao. Trong đó, tại cơ sở chính ở Hà Nội là 4.500 chỉ tiêu, tại Phân hiệu TP. Hồ Chí Minh là 1.500 chỉ tiêu. Chỉ tiêu tuyển sinh các chương trình liên kết quốc tế là 90.