Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 9 năm 2021, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam sang Hàn Quốc tuy không tăng mạnh nhưng duy trì được đà tăng trưởng dương từ tháng 3 đến tháng 6. Tháng 7 và 8, XK sang thị trường này giảm do DN phải giảm công suất hoạt động để phòng dịch Covid-19. XK tôm sang thị trường này trong tháng 9 phục hồi nhẹ 3,6% đạt 30,8 triệu USD.
Nửa đầu tháng 10 năm nay, XK tôm sang Hàn Quốc tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm tới nửa đầu tháng 10/2021, XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt gần 278 triệu USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Dấu hiệu phục hồi XK tôm sang thị trường Hàn Quốc cũng nằm trong kế hoạch của DN đẩy mạnh xuất sang các thị trường châu Á nhằm tận dụng lợi thế khoảng cách gần và chi phí logistics thấp hơn so với đi các thị trường châu Âu và Mỹ. Trong những tháng cuối năm này, thị trường Hàn Quốc đang tăng nhu cầu NK để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân cho Tết Nguyên đán năm nay.
Dự kiến, XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc trong quý cuối năm nay vẫn ghi nhận tăng trưởng dương. XK tôm Việt Nam sang thị trường này cả năm 2021 dự kiến tăng khoảng 3-5% so với năm ngoái.
Hàn Quốc NK chủ yếu tôm chân trắng từ Việt Nam với tỷ trọng tôm chân trắng XK sang thị trường này chiếm tới 85% trong khi tỷ trọng tôm sú chỉ chiếm 4%. 9 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc tăng NK tôm chân trắng chế biến (HS 16) và tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS03) lần lượt 5% và 12%, NK tôm biển sống/tươi/đông lạnh (HS03) tăng mạnh nhất 41%.
Các sản phẩm tôm chủ yếu Việt Nam xuất sang Hàn Quốc gồm tôm chân trắng bỏ đầu, lột vỏ còn đuôi, tôm chân trắng Nobashi tươi, đông lạnh, tôm chân trắng sushi xẻ bướm tươi, đông lạnh, tôm chân trắng nhúng PD đông lạnh, tôm sú PTO xẻ bướm tươi, đông lạnh và tôm sắt PD đông lạnh. 9 tháng đầu năm nay, giá XK trung bình tôm sú của Việt Nam sang Hàn Quốc dao động từ 11,7 – 14,6 USD/kg trong khi giá trung bình XK tôm chân trắng dao động trong khoảng 7,9 - 8,3 USD/kg.
Theo thống kê của ITC, 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp tôm hàng đầu của Hàn Quốc, chiếm thị phần lớn 44% tổng giá trị XK tôm của Hàn Quốc. 8 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc NK trên 541,5 triệu USD tôm, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số nguồn cung tôm chính cho thị trường Hàn Quốc gồm Thái Lan, Canada, Ecuador, Argentina, Trung Quốc, Malaysia…NK tôm vào Hàn Quốc từ các nguồn cung chính đều tăng trưởng dương trong 8 tháng đầu năm nay.
Trong những tháng còn lại của năm 2021, thị trường xuất khẩu tôm nhìn chung đang khá thuận lợi. Hầu hết các thị trường chính của tôm Việt Nam đang trên đà phục hồi nhờ tiêm ngừa vacxin diện rộng và triển khai các gói hỗ trợ sau Covid-19.
Lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, du lịch… đang từng bước được mở cửa trở lại ở nhiều thị trường. Vì vậy, mảng dịch vụ thực phẩm sẽ tăng mạnh vào cuối năm nay. Qua đó, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung, tôm nói riêng ở các hệ thống, chuỗi dịch vụ thực phẩm.
Bên cạnh đó, do tác động của dịch Covid-19, người tiêu dùng ở nhiều thị trường vẫn đang tiếp tục xu hướng ưa chuộng thực phẩm chế biến sâu, tích hợp nhiều tiện ích, thuận lợi trong việc chế biến món ăn nhanh nhất. Chế biến sâu lại là lợi thế cạnh tranh cùa ngành tôm Việt Nam với nhiều nhà máy có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đảm bảo các yêu cầu cao về an toàn thực phẩm và đội ngũ công nhân lành nghề.