Sau khi được Chính phủ thông qua các nội dung cơ bản của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng ký tờ trình Chính phủ gửi Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo tờ trình Chính phủ, dự luật lần này sẽ giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm.
Sau khi giảm năm đóng, mức hưởng lương hưu của nữ giới vẫn giữ nguyên là 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, mức hưởng lương hưu của nam giới giảm xuống 33,75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Việc giảm thời gian tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu hằng tháng nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia bảo hiểm xã hội không liên tục được hưởng lương hưu.
Theo thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội, trong 07 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trên 476.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trên 10 năm, độ tuổi từ 40 trở lên; trên 53.000 người hết tuổi lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần do chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; trên 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương.
Nếu vẫn quy định thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm, những người này khó có cơ hội nhận lương hưu.
Lưu ý, quy định giảm năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm không áp dụng với các trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi theo quy định. Theo đó, các trường hợp này mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ bị giảm 2% tỷ lệ lương hưu.