Dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về bình bột chữa cháy vỏ xốp

Dự thảo này quy định các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử đối với bình bột chữa cháy tự động kích hoạt – bình bột vỏ xốp, khối lượng chất chữa cháy không quá 6.000g.
bình chữa cháy

Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia phân bình bột chữa cháy vỏ xốp thành 3 kích cỡ

Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo "Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phòng cháy chữa cháy - Bình chữa cháy tự động kích hoạt - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử. Phần 3: Bình bột vỏ xốp".

Dự thảo này quy định các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử đối với bình bột chữa cháy tự động kích hoạt – bình bột vỏ xốp (sau đây gọi là bình bột chữa cháy vỏ xốp), khối lượng chất chữa cháy không quá 6.000g.

Bình bột chữa cháy vỏ xốp sử dụng chất chữa cháy là bột chữa cháy, tự động kích hoạt xả chất chữa cháy khi bộ phận dẫn cháy (dây dẫn cháy) tiếp xúc với ngọn lửa kích hoạt bộ phận tạo áp suất làm phá vỡ lớp vỏ bình và phun bột chữa cháy.

Bình bột chữa cháy vỏ xốp có cấu tạo gồm: Ngoài cùng là lớp màng PVC. Dây dẫn cháy đặt xung quanh bên ngoài sát vỏ bình. Vỏ bình làm bằng vật liệu EPS (Expanded PolyStyrene) (hoặc tương đương). Bộ phận tạo áp suất và bột chữa cháy đặt bên trong vỏ bình.

Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia phân bình bột chữa cháy vỏ xốp thành 03 kích cỡ:

- Cỡ nhỏ (S): khối lượng bột chữa cháy ≤ 1.000g; 

- Cỡ vừa (M): khối lượng bột chữa cháy > 1.000g và ≤ 2.000g; 

- Cỡ lớn (L): khối lượng bột chữa cháy > 2.000g và ≤ 6.000g; 

Theo đó, dự thảo Tiêu chuẩn quy định bình bột chữa cháy vỏ xốp phải dễ dàng vận hành, sử dụng, kiểm tra và bảo trì, có cấu trúc bền theo thời gian, không gây nguy hiểm khi sử dụng và tất cả các bộ phận trong bình bột chữa cháy vỏ xốp không tháo rời, không sử dụng với mục đích khác ngoài việc chữa cháy.

Yêu cầu về kỹ thuật

Dự thảo nêu rõ yêu cầu kỹ thuật đối với bình bột chữa cháy vỏ xốp là: Dễ dàng vận hành, sử dụng, kiểm tra và bảo trì, có cấu trúc bền theo thời gian, không gây nguy hiểm khi sử dụng. Tất cả các bộ phận trong bình bột chữa cháy vỏ xốp không tháo rời và không sử dụng với mục đích khác ngoài việc chữa cháy. Chất chữa cháy bằng bột hóa chất khô, không ở dạng đông cứng hoặc kết tụ và phải phù hợp TCVN 6102:2020. Thời gian kích hoạt ≤ 10 giây.

Về bảo quản và sử dụng, dự thảo quy định: Sản phẩm để trong kho phải bảo quản trong hộp giấy, có giá kê cách mặt sàn và tường nhà ít nhất 10cm ở nơi khô thoáng, nhiệt độ môi trường trong khoảng (-5 ÷ 50) °C, độ ẩm tương đối không quá 95%. Thời hạn sử dụng theo quy định của nhà sản xuất khi tuân thủ đúng yêu cầu về điều kiện cất giữ, bảo quản sản phẩm. Cách kiểm tra sản phẩm: Ngoại quan sản phẩm còn nguyên vẹn, không bẹp méo, vỏ bình không bị rách, không bị rò rỉ chất chữa cháy ra ngoài.

Bình bột chữa cháy vỏ xốp phải ghi đầy đủ thông tin về nhãn hàng hóa gồm: a) Định lượng; b) Ngày sản xuất; c) Hạn sử dụng; d) Thành phần; e) Thông số kỹ thuật; f) Thông tin cảnh báo; g) Hướng dẫn sử dụng, bảo quản.

Các phương pháp thử nghiệm

Các mẫu thử được lấy trong cùng 1 lô sản xuất. Mỗi thử nghiệm sử dụng 03 mẫu.

Thử độ bền chịu nhiệt và độ chịu va đập

Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia đề xuất phương pháp thử nghiệm độ bền chịu nhiệt bằng cách Bật lò sấy cho đến khi nhiệt độ đạt (85 ± 1) độ C. Đưa bình bột chữa cháy vỏ xốp vào lò sấy và đặt trên vật liệu không dẫn nhiệt trong lò. Duy trì nhiệt độ bên trong lò tại 85 độ C, thời gian 24 giờ ± 15 phút.

Lấy bình bột chữa cháy vỏ xốp ra khỏi lò sấy, để nguội đến nhiệt độ môi trường và kiểm tra các vết nứt, vết rách hoặc rò rỉ chất chữa cháy xuất hiện tại vỏ bình. Nếu không có vết nứt, vết rách hoặc rò rỉ là đạt yêu cầu

Về phương pháp thử độ chịu va đập, dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia đề xuất phương án như sau:

Dùng sợi dây nilong treo bình bột vỏ xốp, điều chỉnh độ cao sao cho điểm đáy của bình bột trùng với vạch mức đã đánh dấu trên tường. Dùng kéo cắt dây để bình bột rơi tự do xuống nền bê tông (hoặc nền gạch men), sau đó kiểm tra bình bột

Lưu ý: Nền bê tông (hoặc nền gạch men) thử nghiệm phải nhẵn, mịn.

Chiều cao thử nghiệm độ chịu va đập

- Bình cỡ nhỏ (S) thử nghiệm độ cao 2,0 m

- Bình cỡ vừa (M) thử nghiệm ở độ cao 1,0 m

- Bình cỡ lớn (L) thử nghiệm ở độ cao 0,5 m

Thử thời gian kích hoạt, hiệu ứng nổ và âm thanh phát ra khi kích hoạt

Phương pháp thử thời gian kích hoạt và hiệu ứng nổ được dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia đề xuất như sau: 

Đặt hộp kính trên nền đất phẳng (hoặc gạch men). Tách đầu dây dẫn cháy (khoảng 30 mm) ra khỏi lớp màng PVC trên mẫu thử nghiệm. Đặt mẫu vào tâm hộp thử nghiệm. Dùng dụng cụ châm lửa lên dây dẫn cháy, tính thời gian trên đồng hồ bấm giây. Sau khi kích hoạt và phun bột chữa cháy, tiến hành kiểm tra hộp kính thử nghiệm và thời gian kích hoạt trên thiết bị đo. Kết quả phải đạt 3/3 mẫu thử nghiệm đối với yêu cầu về thời gian kích hoạt và hiệu ứng kích nổ

Phương pháp thử âm thanh phát ra khi kích hoạt như sau: Tách đầu dây dẫn cháy (khoảng 30mm) ra khỏi lớp màng PVC. Đặt mẫu thử vào vị trí như hình dưới đây. Lắp thiết bị đo cường độ âm thanh ở khoảng cách 4m, độ cao 1m so với vị trí đặt bình chữa cháy. Điều chỉnh micro hướng vào tâm của bình bột chữa cháy vỏ xốp. Dùng dụng cụ châm lửa lên dây dẫn cháy. Sau khi bình bột chữa cháy vỏ xốp kích hoạt, tiến hành kiểm tra giá trị âm thanh hiện trên thiết bị đo.

Xuân An