Đưa hàng Việt đến với người lao động khu công nghiệp

Nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ của công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên cả nước, Bộ Công Thương cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Công Thương Việt Nam đang tích cực làm
p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545} p.p2 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545; min-height: 14.0px}

Giải quyết bài toán cung ứng hàng Việt cho hơn 20 triệu công nhân

Theo số liệu của Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay trên cả nước có khoảng 20 triệu công nhân lao động, trong đó 10,5 triệu người là công đoàn viên dưới sự quản lý của Tổng Liên đoàn. Đặc biệt, có hơn 5 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở trên 50 tỉnh, thành phố, sản xuất ra tới hơn 50% số lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nước ta mỗi năm.

Tuy nhiên, đời sống của người công nhân vẫn còn nhiều thiếu thốn, mức thu nhập chưa cao, các hoạt động thường nhật chủ yếu diễn ra trong phạm vi khu chế xuất, khu công nghiệp nên chưa tiếp cận được với nhiều nguồn hàng hóa phong phú.

Với mong muốn nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng Công đoàn Công Thương Việt Nam và Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) thời gian qua đã hợp tác triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến tay người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp thông qua các đơn vị xúc tiến thương mại hoặc các điểm bán hàng Việt thuộc khuôn khổ Đề án Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Đặc biệt, ở các vùng tập trung nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh,… nhiều nhà bán lẻ đã kết hợp với các tổ chức công đoàn cơ sở tăng cường các chương trình thúc đẩy phân phối hàng Việt thông qua hệ thống các siêu thị như Co.opFood, VinMart, BigC, các siêu thị công đoàn,…

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, theo đó nhiều nhà ở, nhà trẻ, công trình văn hóa, thể thao,… sẽ được xây dựng nhằm hỗ trợ nâng cao điều kiện sống cho công nhân. Cùng với sự xuất hiện các thiết chế công đoàn, các siêu thị công đoàn và điểm bán hàng cố định cũng sẽ có điều kiện phát triển, mang hàng hóa thương hiệu Việt đến với mọi khu chế xuất, khu công nghiệp trên cả nước.

Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Bắc, phong trào đưa thương hiệu Việt vào các chuyến hàng lưu động được triển khai rất mạnh với sự hưởng ứng và tham gia tích cực của nhiều doanh nghiệp. Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước cho biết, mỗi năm, có hàng trăm chuyến hàng lưu động đến với địa bàn của các khu chế xuất, khu công nghiệp, hàng loạt các siêu thị công đoàn được mở ra nhằm phục vụ cho nhu cầu của người lao động tại các khu công nghiệp.

Mỗi năm, có hàng trăm chuyến hàng lưu động đến với địa bàn của các khu chế xuất, khu công nghiệp phục vụ nhu cầu sử dụng hàng hóa Việt Nam của công nhân

Năm 2018, Vụ Thị trường Trong nước sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Công Thương triển khai đưa hàng Việt về khu chế xuất, khu công nghiệp qua 3 hình thức chính, trước hết là khảo sát và tổ chức các điểm bán hàng cố định tại các khu chế xuất, khu công nghiệp để giúp người lao động tiếp cận với nguồn hàng hóa phong phú, chất lượng tốt có giá cả hợp lý. Đồng thời, triển khai các đợt bán hàng giảm giá, phát voucher cho công đoàn viên có thẻ đến mua tại các điểm trên với mức ưu đãi cao và tổ chức các chương trình hỗ trợ đưa hàng hóa trực tiếp theo đơn hàng của công đoàn tổ chức đứng ra để thu mua và phân phối.

Sự vào cuộc của các nhà bán lẻ

Là một trong những doanh nghiệp đã đồng hành cùng Bộ Công Thương trong các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt thời gian qua, Công ty Cổ phần Intimex Việt Nam (Intimex) cho biết, không chỉ Intimex mà các nhà phân phối khác đều hy vọng thúc đẩy tốt việc kinh doanh tại thị trường nội địa, và đã phối hợp cùng các Sở Công Thương địa phương xúc tiến nhiều chương trình hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đặc biệt, với đối tượng người tiêu dùng là công nhân, yêu cầu trước hết là về giá, vì thu nhập của họ không cao, nên khả năng chi trả cho những hàng hóa thiết yếu chỉ ở mức độ cơ bản. Vậy nên, các doanh nghiệp đều đặt vấn đề cạnh tranh giá lên hàng đầu, nhằm hỗ trợ tối đa cho người lao động.

Tuy nhiên, sự thật rõ ràng là giá thành mà doanh nghiệp phân phối đưa ra phụ thuộc phần lớn vào chi phí đầu vào từ nhà cung cấp. Bởi vậy, cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ cho các nhà bán lẻ tại Việt Nam, để cộng đồng doanh nghiệp có thể đồng hành lâu dài với các chương trình kết nối cung ứng hàng Việt tại khu chế xuất, khu công nghiệp.

Đến nay, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã có 2 siêu thị Hapromart tại khu nhà ở công nhân Kim Chung trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), bày bán khoảng 10 ngàn mặt hàng, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng, thực phẩm tiêu dùngthiết yếu, mặt hàng bình ổn giá phục vụ đời sống công nhân và nhân dân sống quanh khu vực này. Bên cạnh đó, Hapro cũng tổ chức Hội chợ Tết phục vụ người lao động và triển khai nhiều chuyến bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành Hà Nội, khu chế xuất, khu công nghiệp. Đại diện Hapro cho biết, để chương trình cung ứng hàng Việt cho người công nhân đạt được hiệu quả cho cả doanh nghiệp và người lao động, nên có sự trao đổi cụ thể với công đoàn cơ sở và ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp để tuyên truyền rộng rãi thông tin về chương trình. Đây cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp phân phối nhắc đến trong buổi làm việc với Vụ Thị trường trong nước cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Công Thương Việt Nam sáng 15/8 vừa qua.

Các doanh nghiệp phân phối khẳng định sự cần thiết của việc tuyên truyền rộng rãi thông tin về chương trình để thu hút sự quan tâm và hưởng ứng của người lao động tại các công đoàn cơ sở

Trước ý kiến của các doanh nghiệp, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước khẳng định, năm 2018, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa trong việc giới thiệu hệ thống bán lẻ về địa phương nói chung và các khu chế xuất, khu công nghiệp nói riêng để doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi về vấn đề mặt bằng. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho công đoàn viên tại các công đoàn cơ sở biết về doanh nghiệp và sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp, chương trình khuyến mại, voucher, quà tặng,… doanh nghiệp đang triển khai để đông đảo công đoàn viên tham gia hưởng ứng.

Bên cạnh đó, một hệ thống siêu thị lớn khác là Big C Việt Nam (thuộc Tập đoàn Central Group) cũng đưa ra một góc nhìn mới rằng các chuyến xe hàng lưu động hiện nay đang đạt được hiệu quả và phản ứng tích cực từ phía người lao động, nhưng các xe hàng thường chỉ đủ cung cấp những sản phẩm thiết yếu nhất cho cuộc sống hàng ngày của công nhân, đôi khi lại không có thứ mà họ cần. “Vậy sao mình không làm ngược lại, đưa công nhân đến siêu thị và giúp họ hưởng ưu đãi mở rộng trên cả các sản phẩm khác ngoài những hàng hóa thiết yếu ra?”, đại diện Big C miền Bắc cho biết. Đây cũng chính là nội dung Ngày hội Công đoàn mà Big C đang triển khai tổ chức hàng tháng, nắm bắt tâm lý của người lao động muốn đưa con em mình đi chơi vào ngày nghỉ mà lại được tiếp cận với lượng hàng hóa lớn giảm giá tới 10-49%. Đặc biệt, Big C còn tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần của công nhân gắn với lợi ích thực tế như giao lưu văn nghệ, trao giải thưởng tivi, máy giặt,…, nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía người tiêu dùng.

Tạo cầu nối chia sẻ giữa người lao động và doanh nghiệp

Để có thể triển khai thành công việc đưa hàng Việt vào các khu công nghiệp, một trong những trọng tâm cần chú ý, theo nhiều doanh nghiệp, đó là họ cần biết được người lao động mong muốn điều gì, cần gì ở hàng hóa mà các nhà bán lẻ cung cấp. Ngược lại, công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng cần được thông tin rộng rãi về chương trình và về lợi ích mà họ có được từ chuỗi hoạt động thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt.

Nhà bán lẻ và người lao động cần hiểu rõ nhu cầu tiêu thụ, khả năng cung ứng của nhau để việc phân phối hàng Việt tại khu chế xuất, khu công nghiệp đạt được hiệu quả tối đa

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các mô hình cung ứng hàng Việt Nam tại khu chế xuất, khu công nghiệp và bàn về các giải pháp tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt nam tại thị trường trong nước là một trong những hoạt động ý nghĩa của Bộ Công Thương nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt và người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là đối tượng người lao động, công nhân trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Dự kiến được tổ chức tại Quảng Ninh và Bình Dương vào tháng 8 và tháng 10 năm nay, Hội nghị được kỳ vọng là cầu nối chia sẻ thông tin giữa người lao động và doanh nghiệp cùng các cơ quan quản lý nhà nước, để từ đó đưa ra được những giải pháp hợp lý và hiệu quả nhất cho quá trình cung ứng hàng Việt tại khu chế xuất, khu công nghiệp. Tại đây, nhiều thông tin sẽ được phổ biến cụ thể xung quanh các mô hình Hợp tác xã phúc lợi, Siêu thị Công đoàn và các mô hình phúc lợi cho công nhân để mở rộng, thiết lập các mô hình điểm bán hàng Việt Nam tại các khu chế xuất, khu công nghiệp nhằm góp phần cải thiện đời sống của người công nhân, người lao động có thu nhập thấp, đồng thời, tạo đầu ra cho các sản phẩm hiện đang được các doanh nghiệp ngành công nghiệp Việt Nam sản xuất.

Thông qua tọa đàm trao đổi, chia sẻ giữa các bên, Hội nghị hướng đến việc thúc đẩy sự quan tâm, nghiên cứu của các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng trong nước đối với việc mở các điểm bán hàng Việt Nam (lưu động hoặc cố định) tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và tổ chức các chương trình bán hàng giảm giá cho đối tượng công nhân, người lao động nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho các đối tượng này như tiếp cận với hàng hóa sản xuất trong nước với chất lượng tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Theo Vụ Thị trường trong nước, bên lề Hội nghị cũng sẽ có hoạt động trưng bày sản phẩm Việt do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và phân phối để kết nối với các Công đoàn cơ sở tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, từ đó góp phần phát triển các mô hình điểm bán hàng Việt phục vụ công nhân, người lao động.

Đặc biệt, các hoạt động truyền thông xoay quanh Hội nghị và Chương trình sẽ được triển khai mạnh mẽ trên nhiều kênh truyền thông đa phương tiện với sự tham gia của Tạp chí Công Thương là đơn vị phối hợp liên kết các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình nhằm tăng cường tuyên truyền rộng rãi thông tin tới người lao động, công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên toàn quốc.