Trong bài viết trên blog cá nhân của mình, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết “ECB có thể chấm dứt chính sách lãi suất âm vào cuối quý 3/2022”. Theo đó, ECB sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu nhằm kích thích kinh tế, từ đó tạo điều kiện cho việc ra quyết định nâng lãi suất cơ bản.
Nếu việc nâng lãi suất được thông qua thì đây sẽ là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB trong hơn 10 năm trở lại đây và các mức lãi suất thấp kỷ lục tại châu Âu hiện nay sẽ tăng lên, bao gồm cả lãi suất tiền gửi hiện ở mức -0,5%.
Bà Christine Lagarde nhấn mạnh mọi quyết định tăng lãi suất của ECB sẽ tuỳ thuộc vào diễn biến của lạm phát. Nếu tỷ lệ lạm phát của toàn Liên minh châu Âu (EU) được dự báo ổn định quanh mức mục tiêu 2% của ECB, việc tăng lãi suất tiếp theo sẽ là phù hợp. Dự kiến kế hoạch tăng lãi suất sẽ được ECB thảo luận trong các phiên họp dự kiến vào ngày 9/6 và 21/7 tới đây.
ECB hiện đang chịu áp lực lớn trong việc tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát tại EU tăng mạnh. Dữ liệu cho thấy, khoảng 1/3 số thành viên Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với mức lạm phát trên 10% khi giá hầu hết các loại hàng hoá, đặc biệt là nhóm hàng năng lượng, đều tăng vọt dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.
Chỉ số giá tiêu dùng tại Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 4 vừa qua đã chạm mức cao nhất lịch sử 7,5%. Con số này cũng lớn hơn nhiều lần mức mục tiêu 2% của ECB. Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến lạm phát toàn EU sẽ đạt đỉnh ở mức 6,9% trong quý 2 năm nay và sẽ giảm sau đó. Lạm phát toàn EU hiện được dự đoán là 6,8% trong năm nay và 3,2% vào năm 2023 - cao hơn nhiều so với các dự báo trước đó lần lượt là 3,9% và 1,9%.
Nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng kêu gọi ECB cần nhanh chóng siết chặt các chính sách tiền tệ và nâng lãi suất, do cơ quan này đã chậm hơn Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương lớn khác trong việc thực hiện các biện pháp để kiềm chế lạm phát.
"ECB từ lâu đã đánh giá thấp động lực của lạm phát. Họ hy vọng đây chỉ là một hiện tượng nhất thời và sẽ tự biến mất. Họ đã quá phụ thuộc vào mô hình dự báo của mình và tin tưởng rằng, lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu 2% trong khoảng 1 - 2 năm. Cách hiểu sai lầm này khiến ECB vẫn do dự trong việc từ bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ thời đại dịch", ông Otmar Issing, cựu chuyên gia kinh tế ECB, đánh giá.