Các dữ liệu cho thấy, trước khi xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 vừa qua, lượng lúa mì xuất khẩu của Nga và Ukraine chiếm tới 30% tổng lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn cầu. Trong đó, Ukraine đáp ứng khoảng 17% tổng nhu cầu nhập khẩu lúa mì toàn cầu.
Cuộc xung đột quân sự giữa hai nước bùng nổ hồi cuối tháng 2 vừa qua đã khiến nguồn cung lúa mì từ Ukraine ra thị trường quốc tế bị đứt gãy; đồng thời, việc thu mua các lô hàng lúa mì từ Nga gặp nhiều trở ngại hơn khi hệ thống tài chính – ngân hàng của Nga chịu các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Cuộc xung đột còn khiến hoạt động xuất khẩu lúa mì của các quốc gia khu vực Biển Đen gặp nhiều khó khăn.
Tình trạng căng thẳng nguồn cung lúa mì còn trở nên nghiêm trọng hơn khi Ấn Độ, quốc gia có sản lượng lúa mì lớn thứ hai thế giới, bất ngờ cấm xuất khẩu lúa mì kể từ ngày 15/5 nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa khi giá lúa mì tại nước này đã cao hơn gần gấp 2 lần so với mức giá hỗ trợ tối thiểu của chính phủ.
Tất cả những yếu tố trên đang đẩy giá lúa mì trên thị trường quốc tế chạm mức cao nhất lịch sử. Liên Hiệp Quốc cảnh báo rủi ro một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực quy mô toàn cầu có thể sẽ xảy ra và gây ra nạn đói kéo dài dai dẳng nhiều năm tại nhiều quốc gia có thu nhập thấp.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết đang "liên hệ tích cực" với Nga và Ukraine, cũng như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm nỗ lực khôi phục hoạt động xuất khẩu lương thực về mức bình thường trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine khó có thể sớm chấm dứt. Các ước tính cho thấy Ukraine hiện có khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc đang bị tồn đọng tại các kho chứa và cảng xuất khẩu.
Bà Sara Menker, Giám đốc điều hành của Công ty dữ liệu Nông nghiệp Gro Intelligence (Hoa Kỳ), cho biết không chỉ nguồn cung lúa mì mà nguồn cung nông sản, lương thực toàn cầu đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc thiếu phân bón, khí hậu biến đổi; trong khi đó, lượng tồn kho dầu ăn và ngũ cốc ở mức thấp kỷ lục, khiến giá lương thực, thực phẩm trên toàn cầu tăng vọt.
Trong khi đó, ông Carlos Mera, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hoá nông sản tại ngân hàng đầu tư Rabobank (Hà Lan), cho biết sản lượng lúa mì của Nga trong năm nay có thể đạt 85 triệu tấn và lượng xuất khẩu lúa mì của nước này sẽ chiếm tới 25% tổng lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn cầu. Do đó, dù muốn hay không thì nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước phương Tây vẫn sẽ phải phụ thuộc vào nguồn cung lúa mì từ Nga trong vòng ít nhất 12 tháng tới đây.