Chốt phiên giao dịch cuối tuần này ngày 20/5, giá ngô giao tháng 7/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) giảm nhẹ 0,57% xuống mức 7,78 USD/giạ (25,4 kg/giạ). Giá lúa mì giao tháng 7/2022 giảm tới 2,64% xuống còn 11,68 USD/giạ (25,4 kg/giạ).
Ngược lại, giá đậu tương giao tháng 7/2022 tăng 0,87% lên 17,05 USD/giạ (27,2 kg/giạ) và giá lúa mì giao tháng 7/2022.
Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, cho biết các dự báo mới nhất đều cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn nói riêng trong năm nay sẽ ở mức thấp hơn so với các dự báo trước đây, chủ yếu do chịu tác động từ cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine. Điều này có tác động tiêu cực đến các thị trường tài chính, bao gồm cả thị trường hàng hoá nông sản. Đặc biệt, dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ chỉ đạt 5%, thấp hơn nhiều so với mức 8,1% trong năm ngoái, khiến triển vọng nhu cầu tiêu thụ nông sản tại nước này suy yếu.
Đối với mặt hàng ngô, đà giảm của giá ngô phần nào được kìm hãm khi miền Nam Brazil chuẩn bị đối mặt với đợt không khí lạnh kỷ lục, tác động nghiêm trọng đến hoạt động canh tác ngô vụ Safrinha của nước này. Thông thường, sản lượng ngô vụ Safrinha chiếm tới 75% tổng sản lượng ngô hàng năm của Brazil. Tình trạng giá lạnh bất thường cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các loại cây trồng chủ lực khác của Brazil như cà phê và cam.
Cơ quan cung ứng quốc gia Brazil (CONAB) dự báo sản lượng ngô vụ 2021/2022 của nước này sẽ tăng nhẹ 0,6 triệu tấn lên 116,19 triệu tấn, chủ yếu nhờ diện tích canh tác ngô vụ Safrinha được mở rộng. Trong khi đó, năng suất canh tác ngô vụ Safrinha trong dự báo tháng 5/2022 của CONAB được điều chỉnh giảm còn 5,37 kg/ha so với mức 5,51 kg/ha trong dự báo tháng 4/2022.
Đối với mặt hàng đậu tương, dữ liệu của Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA) của Hoa Kỳ cho thấy khối lượng đậu tương được nghiền ép tại nước này trong tháng 4 chỉ đạt 169,79 triệu giạ, giảm 7% so với hồi tháng 3 và con số này thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 172,4 triệu giạ trong năm 2021. Đồng thời, nguồn cung dầu đậu tương tại Hoa Kỳ trong tháng 4 đã chạm mức thấp nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây.
Thông tin mới nhất cho thấy Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, đã nhập khẩu tới 6,3 triệu tấn đậu tương từ Brazil trong tháng 4 vừa qua. Con số này tăng 120% so với tháng 3/2022 và tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng đậu tương được Trung Quốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ trong tháng 4 chỉ đạt 1,64 triệu tấn, giảm mạnh 51% so với hồi tháng 3/2022 và giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đang có xu hướng tăng cường nhập khẩu đậu tương từ Brazil và giảm dần nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Liên quan đến thị trường dầu thực vật, Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI) vừa cho biết xuất khẩu dầu cọ của Indonesia trong tháng 3 chỉ đạt 2,02 triệu tấn, giảm mạnh 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Indonesia cũng vừa quyết định sẽ nối lại hoạt động xuất khẩu dầu cọ kể từ ngày 23/5 tới đây nhằm giảm bớt áp lực lên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Trước đó, vào ngày 28/4, Indonesia đã bất ngờ ngưng xuất khẩu các loại dầu cọ thô và sản phẩm tinh chế từ dầu cọ nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước và kìm hãm đà tăng nóng của giá dầu cọ trên thị trường nội địa. Với vị thế là nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, quyết định của Indonesia đã gây ra cú sốc cung lớn trên thị trường và đẩy giá các loại dầu ăn thay thế như dầu đậu nành chạm mức cao kỷ lục.
Đối với mặt hàng lúa mì, Ấn Độ vừa quyết định nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, cho phép xuất khẩu trở lại các lô lúa mì đang chờ thông quan xuất khẩu nhằm góp phần nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Cụ thể, Ấn Độ sẽ cho phép xuất khẩu các lô lúa mì đã được giao cho lực lượng hải quan nước này kiểm tra để xuất khẩu hoặc đã được đăng ký xuất khẩu vào hệ thống của hải quan tính đến ngày 13/5. Các lô hàng lúa mì có thư tín dụng (LC) hoặc giấy bảo lãnh thanh toán được phát hành trước ngày 13/5 cũng sẽ được phép xuất khẩu. Ngoài ra, Ấn Độ cũng cho phép xuất khẩu lúa mì sang Ai Cập.
Trước đó, vào ngày 15/5, Ấn Độ bất ngờ tuyên bố ngưng xuất khẩu lúa mì nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước khi lạm phát tại nước này chạm mức cao nhất 8 năm trở lại đây và giá lúa mì nội địa tăng cao gần gấp 2 lần so với mức giá hỗ trợ tối thiểu của chính phủ.
Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường hàng hoá tại đây.
Nhiều nhà phân tích cảnh báo quyết định cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung lúa mì trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn và có thể khiến nhiều quốc gia đối mặt với khủng hoảng an ninh lương thực. Nguồn cung lúa mì trên toàn cầu vốn đã suy giảm nghiêm trọng dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.
Trong khi đó, dữ liệu mới nhất cho thấy tổng lượng lúa mì xuất khẩu của Nga từ đầu niên vụ 2021/2022 mới chỉ đạt 30 triệu tấn. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo sản lượng xuất khẩu lúa mì của Nga trong niên vụ 2021/2022 có thể đạt 33 triệu tấn.
Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.
- Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
- Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
- Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
- Website: https://saigonfutures.com
- Hotline: 0903.352.961