Có được thành tựu này là nhờ gần nửa thế kỷ qua, Công ty tuyệt đối duy trì chính sách chất lượng trên mọi sản phẩm của mình cũng như không ngừng thực hiện những cải tiến để đón đầu thị trường. Các sản phẩm đã mang thương hiệu Cơ điện Thủ Đức thì tuyệt đối không sao chép mà phải có đặc tính kỹ thuật độc đáo riêng.
Nơi ra đời chiếc máy biến thế đầu tiên
Năm 2008, Công ty Cơ điện Thủ Đức chính thức cổ phần hóa trở thành Công ty Cổ phần Cơ điện Thủ Đức (EMC). Đây thực sự là một bước ngoặt quan trọng của một đơn vị có truyền thống là một trong những con chim đầu đàn của ngành cơ khí điện Việt Nam. Không tự hào sao được khi mà trước thời điểm cổ phần hóa 18 năm, chính tại EMC đã cho ra đời chiếc máy biến thế phân phối đầu tiên, viết tên mình vào lịch sử ngành Điện.
Để rồi ngay sau đó, tháng 9/1998, nhà máy đã sản xuất và đưa vào vận hành máy biến áp 20 MVA-66KV cho trạm Chánh Hưng - TP. Hồ Chí Minh. Tiếp theo đó, tháng 12/1998, tiếp tục chế tạo thành công máy biến áp lực loại lớn cấp điện 110 KV công suất 25 MVA.
Tất cả những dấu mốc này đã cho thấy năng lực, trình độ và sức sáng tạo của tập thể những con người mang trên ngực niềm tự hào là thành viên của Công ty Cổ phần Cơ điện Thù Đức!
So với bước khởi đầu khi còn là một nhà máy sửa chữa cơ khí vẻn vẹn 48 người năm 1976 thì hiện tại, Công ty Cổ phần Cơ điện Thủ Đức đã tiến những bước thật dài, có giá trị như một chứng nhân chứng kiến sự đi lên của nền kinh tế đất nước.
Khi thực hiện cổ phần hóa, với bộ máy tinh gọn gần 120 người, Công ty đã có những thay đổi nhạy bén, phù hợp với điều kiện phát triển trong thời kỳ mới. Mức lương trung bình của người lao động mỗi tháng đã đạt trên 10 triệu đồng/người. Chính sách lao động cũng được triển khai khoa học, hợp lý nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và phúc lợi của người lao động thông qua tối ưu hóa môi trường và điều kiện làm việc, đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ.
Đến cuối tháng 3/2018, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngành Điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước tại CTCP Cơ điện Thủ Đức (tương đương 40,05% vốn Điều lệ), đánh dấu một chương mới trong lịch sửa gần nửa thế kỷ của EMC.
Với sự “thay máu” này, từ đây, mọi nguồn lực của Công ty được ưu tiên để đầu tư xây dựng mới, cải tạo nhà xưởng, mua sắm các thiết bị công nghệ mới hiện đại phục vụ cho công tác thiết kế, chế tạo thử nghiệm sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm đã sản xuất được và phát triển nhiều sản phẩm mới, đặc biệt là máy biến áp phân phối siêu tổn thất và máy biến áp lực dung lượng tới 63MVA - điện áp 110KV. Như vậy, EMC được toàn tâm toàn ý thực hiện đầu tư, phát triển cho mảng lĩnh vực kinh doanh chủ chốt của đơn vị mình.
“Luồng gió mới” cổ phần hóa
Cổ phần hóa đã thực sự là chiếc đũa thần mở ra trang lịch sử phát triển mới cho Công ty vì đã giải quyết được vướng mắc bấy lâu nay là vốn. Việc huy động được nguồn vốn đầu tư lớn từ bên ngoài cùng với sự đổi mới trong tư duy quản trị doanh nghiệp năng động đã tiếp thêm nguồn lực lớn cho Công ty, phá bỏ đi mọi rào cản cũng như sức ỳ thâm căn cố đế tưởng như không thể nào thay đổi.
Thách thức lớn nhất của Công ty trong giai đoạn cổ phần hóa chính là phải ổn định tư tưởng CBCNV, đồng thời Công ty cũng thực hiện tinh giản bộ máy. Tập suy nghĩ - tập làm việc theo mô hình Công ty cổ phần tư nhân 100% vốn – đây chính là mục tiêu quan trọng nhất của giai đoạn này.
Thật may mắn, sau cổ phần hóa, tư tưởng của đội ngũ cán bộ Lãnh đạo và CBCNV đã có những chuyển biến rất lớn và theo kịp sự phát triển của các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề. Việc chú trọng góp vốn, đầu tư thêm thiết bị sản xuất hiện đại, dây chuyền công nghệ tiên tiến của các cổ đông tư nhân bên ngoài không chỉ góp phần làm thay đổi bộ mặt Công ty mà quan trọng không kém là làm thay đổi suy nghĩ, cách làm việc của người lao động. Họ đã tích cực do điều kiện làm việc tốt hơn, từ đó, sẽ sản xuất ra những sản phẩm tốt hơn, chất lượng ổn định hơn, từ đó, năng suất lao động đã cải thiện rõ rệt.
Có vốn rồi, tư tưởng đã “thông” rồi, Công ty bắt đầu thực hiện công tác đầu tư. Theo ông Nguyễn Minh Quang – Chủ tịch HĐQT EMC, năm 2018-2019, Công ty đã phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ với mục đích huy động vốn để bổ sung nguồn vốn lưu động và đầu tư thêm hệ thống các trang thiết bị, nâng cấp dây chuyền sản xuất - chế tạo MBA và Phòng Thí nghiệm cao áp.
Cụ thể, EMC đã trang bị hệ thống 15 máy quấn dây tự động, lò sấy chân không, hệ thống máy cắt tole tự động và hệ thống máy cắt - ủ mạch từ amorphuos, đầu tư mới hệ thống sơn tĩnh điện... với tổng chi phí đầu tư hơn 25 tỷ đồng, chưa kể đến số vốn vừa đầu tư thêm cho dây chuyền chế tạo máy biến áp truyền tải trong thời gian gần đây.
Chủ tịch HĐQT chia sẻ thêm: “Chính nhờ việc tăng cường các thiết bị này, hai năm qua, năng suất lao động của EMC đã tăng cao rõ rệt, chất lượng thành phẩm xuất xưởng ổn định, tiếp tục khẳng định uy tín thương hiệu EMC đối với các khách hàng trong và ngoài ngành điện trong giai đoạn mới”.
“Thổi” theo những thành tựu mới
Điều này đã được cụ thể hóa trong con số “biết nói” sau: trước thời gian Công ty cổ phần hóa, doanh thu bình quân hàng năm đạt 250-300 tỷ; bước sang giai đoạn hiện nay, mức doanh thu tăng trưởng gần gấp đôi, còn số lượng lao động đã tinh giản hơn 1/2 so với giai đoạn trước CPH.
Thành công sau khi cổ phần hóa đã tác động tích cực tới quản trị doanh nghiệp và đời sống, tâm tư người lao động EMC. Với truyền thống chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hằng năm Công ty đều xây dựng kế hoạch đào tạo cho CBCNV và triển khai thực hiện nghiêm túc.
Ngoài việc định kỳ huấn luyện, đào tạo nâng bậc và đào tạo công nghệ mới cho người lao động các phòng ban theo từng đặc thù, Công ty còn thực hiện đào tạo mới với mục đích để nhân viên mới nhanh chóng nắm bắt công việc và hòa nhập vào môi trường làm việc của Công ty, hiểu về Công ty và sản phẩm của Công ty, thông thạo về thỏa ước lao động, nội quy lao động, an toàn lao động, chức năng nhiệm vụ, hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015…
Để người lao động yên tâm cống hiến, Công ty xây dựng quy chế trả lương, thưởng, hệ thống thang bảng lương và phụ cấp riêng phù hợp với ngành nghề hoạt động, đảm bảo cho người lao động được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định của nhà nước, tương xứng với trình độ, công việc, năng lực và mức độ đóng góp cũng như sáng tạo của từng người, tạo được sự công bằng, động viên, khuyến khích CBCNV hăng say làm việc, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của Công ty.
Người lao động tại EMC luôn cảm thấy mỗi ngày đi làm là một ngày vui vì được hưởng các chế độ, chính sách đầy đủ như khám sức khỏe định kỳ, đảm bảo chế độ an toàn bảo hộ lao động… Đặc biệt, Công ty rất quan tâm đến môi trường và điều kiện làm việc của người lao động, trang bị đầy đủ phương tiện làm việc, bảo hộ lao động, áp dụng các biện pháp chống nóng, giảm bụi, giảm tiếng ồn, phụ cấp cho người lao động trong môi trường nặng nhọc, độc hại…
Ở một mặt bằng như nhau về chế độ chính sách đối với người lao động, nhưng đơn vị nào quan tâm tới người lao động tốt hơn, đơn vị đó sẽ gây được mối thiện cảm gắn kết của người lao động. EMC với lối cư xử rất nghĩa tình, văn minh đã tạo dựng được bấy lâu nay thực sự đã trở thành ngôi nhà chung của tập thể CBCNV nơi đây.
Ra đời và phát triển đến nay đã gần nửa thế kỷ, Công ty Cổ phần Cơ điện Thủ Đức có một bề dày lịch sử rất đỗi tự hào. Song điều đáng trân trọng hơn nữa chính là sự thích ứng, chuyển đổi mô hình hoạt động khá nhanh nhạy và hiệu quả, từ đó có thể tiếp tục tạo ra những đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ra những thiết bị cơ điện phục vụ khách hàng, phục vụ ngành Điện lực, làm lợi cho nền kinh tế đất nước. Những đóng góp này tự nó đã nói lên tầm vóc một doanh nghiệp được xem là có vị thế trong tốp đầu của ngành Cơ khí Điện lực.
MỤC TIÊU CỦA EMC TRONG GIAI ĐOẠN TỚI
- Về công tác sản xuất, tiếp tục đầu tư, nâng cấp các hệ thống, dây chuyền sản xuất máy biến áp phân phối, truyền tải, dây chuyền sản xuất cơ khí và máy móc thiết bị trong hệ thống theo kế hoạch đã đặt ra, đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí.
- EMC cũng đang nghiên cứu các giải pháp quản lý chất lượng sản phẩm toàn diện từ khâu sản xuất đầu tiên đến khâu cuối cùng, trong đó đặt mục tiêu tập trung vào kiểm soát chặt chẽ công tác thiết kế, thu mua vật tư, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt đối với các nguyên liệu chính như: sắt thép, tole silic, dầu cách điện, sứ cách điện.
- Trên cơ sở nghiên cứu và khảo sát phản ứng của khách hàng, thị trường, EMC sẽ xem xét và ra quyết định đẩy mạnh sản xuất sản phẩm mới máy biến áp phân phối dùng vật liệu amorphuos, siêu tổn thất, sử dụng hiệu quả kinh tế, thân thiện với môi trường; đầu tư dây chuyền sản xuất máy biến áp truyền tải 110KV-220KV; sản xuất, lắp đặt các loại thiết bị điện trọn bộ.
- Về thị trường, EMC sẽ tiếp tục nâng cao khả năng dự báo và phân tích thị trường, triển khai công tác hỗ trợ khách hàng tiêu thụ bằng cách tiếp cận, quảng bá sản phẩm của Công ty đối với nhiều đối tượng khách hàng theo vùng miền, phân theo khu vực.
- Đặc biệt, EMC cho biết sẽ không ngừng gia tăng hiệu quả công tác hậu mãi chăm sóc khách hàng để đáp ứng mọi nhu cầu và mong đợi của khách hàng, tiếp tục khẳng định vị thế của một trong những doanh nghiệp cơ khí điện lực hàng đầu cả nước.