Các thành viên Nghị viện Châu Âu (MEP) đã bỏ phiếu ủng hộ ý tưởng áp thuế carbon đối với một số loại hàng hoá nhập khẩu từ các quốc gia nằm ngoài Liên minh Châu Âu (EU). Theo đó, hàng hoá được xuất khẩu vào EU từ các quốc gia không có định giá lượng khí thải sẽ buộc phải đóng một khoản thuế tương ứng.
Đây được xem là bước ngoặt trong việc tạo lập tiêu chuẩn kỹ thuật mới đối với các quốc gia các quan hệ thương mại với EU. Ý tưởng áp thuế phát thải carbon được nêu ra nhằm giải quyết tình trạng thất thoát carbon (carbon leakage).
Hiện tượng thất thoát carbon xảy ra khi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chuyển dịch từ những nơi có quy định chặt chẽ về các biện pháp bảo vệ môi trường đến những khu vực có các quy định nới lỏng hơn nhằm làm giảm chi phí sản xuất, điều này sẽ khiến lượng phát thải carbon tổng thể tăng lên.
Theo lập luận của một số nhà lập pháp EU, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tại Châu Âu đang bị ảnh hưởng do phải mua quyền được phát thải thông qua hệ thống mua bán phát thải khiến chi phí sản xuất tăng lên. Trong khi đó, các doanh nghiệp tại nhiều quốc gia khác không phải mua quyền phát thải carbon nên có thể sản xuất ra các sản phẩm tương tự với chi phí thấp hơn.
Các công nghệ hiện nay cho phép xác định tương đối chuẩn xác việc sản xuất một sản phẩm sẽ làm phát thải bao nhiêu lượng carbon. Nếu được triển khai EU sẽ áp dụng trước tiên đối với sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép, xi măng, luyện kim, giấy và thuỷ tinh.
Việc áp đặt thuế carbon có thể thúc đẩy các đơn vị xuất khẩu hàng hoá cải tiến công nghệ, quy trình để giảm thiểu lượng khí phát thải, từ đó giảm lượng thuế phải chịu khi xuất khẩu hàng hoá vào EU.
Tuy nhiên, Đại biểu Nghị viện Châu Âu Yannick Jadot của Pháp nhấn mạnh giải pháp cuối cùng đối với biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon là các quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế lớn, phải cùng áp dụng các chính sách giảm khí nhà kính tương đương nhau.
Ông Yannick Jadot lấy ví dụ “Thật tốt nếu như Hoa Kỳ và Châu Âu có thể cùng hợp tác giải quyết những vấn đề về bảo vệ môi trường và bảo vệ các ngành công nghiệp. Như Trung Quốc, đây là quốc gia phát thải lượng lớn khí nhà kính nhưng Trung Quốc cũng rất tích cực áp dụng các biện pháp và thực thi thị trường mua bán phát thải”.
Một số nhà phân tích lo ngại ý tưởng đánh thuế mới này có thể sẽ tạo thêm hàng rào kỹ thuật đối với các nước xuất khẩu hàng hoá vào EU. Theo Uỷ ban Châu Âu, tuỳ thuộc vào phạm vi đánh thuế, việc áp đặt thuế carbon có thể giúp EU thu từ 5 tỷ đến 14 tỷ EUR mỗi năm.
Uỷ ban Châu Âu sẽ đệ trình đề xuất lập pháp về thuế carbon đối với hàng hoá nhập khẩu vào EU trong quý 2 năm nay. Khi luật này được thực thi, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ tiến hành tranh luận về vấn đề này đối với các nước thành viên.
Ông Simone Tagliapietra, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Bruegel, nhận định “Điều quan trọng là thuế carbon đối với hàng hoá nhập khẩu vào EU cần phải được đồng ý trên cơ sở đa phương và điều này sẽ được giải thích rõ ràng tại WTO”.