Dựa trên 400 bản đệ trình của các quốc gia thành viên, Nghị viện Châu Âu, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội dân sự Châu Âu, Ủy Ban Châu Âu (EC) đã công bố chiến lược thương mại mới cho thập niên 2021 – 2030. Nội dung của bản chiến lược này xoay quanh 3 trụ cột chính gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tăng cường chủ nghĩa đa phương, và cải cách các quy tắc thương mại toàn cầu theo hướng bảo đảm công bằng và bền vững.
Bản chiến lược thương mại này được xây dựng dựa trên cam kết của EU về thương mại mở và công bằng với các chuỗi giá trị toàn cầu nhằm phục hồi kinh tế và phản ánh khái niệm “tự chủ chiến lược mở”. Chiến lược thương mại mới của EU nhằm mục tiêu đảm bảo “tính tự chủ” trong việc đưa ra các quyết định và định hình trật tự thương mại thế giới theo các tiêu chuẩn của EU.
Trong buổi họp báo về chiến lược thương mại mới, ông Valdis Dombrovskis – Phó chủ tịch Điều hành kiêm Uỷ viên Châu Âu về vấn đề Thương mại cho biết “Chúng tôi đang theo đuổi chính sách nhằm củng cố và mở rộng khả năng vai trò của EU trong quan hệ thương mại đa phương, đảm bảo tiêu chuẩn công bằng và phát triển bền vững của EU. Chính sách mới hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh, tăng tính cạnh tranh và thắt chặt các quy định quản lý thị trường kỹ thuật số của EU”.
Để định hình hệ thống thương mại toàn cầu theo các tiêu chuẩn của mình, EU coi việc tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước Châu Phi là yếu tố mở của chiến lược. Các yếu tố mở này cũng nhằm mục đích bảo vệ các doanh nghiệp của EU trước các hành vi cạnh tranh không công bằng, phi thị trường. Bên cạnh đó, EU cũng đặt ưu tiên sớm cùng Hoa Kỳ cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và coi đây là trung tâm điều phối, duy trì các quy tắc cạnh tranh trong tương lai.
Ông Valdis Dombrovskis cho biết “Chúng tôi tin rằng có thế tạo ra những động lực mới cho các thay đổi tích cực. Việc cải tổ WTO sẽ được thực hiện ở cả 3 chức năng, gồm thiết lập các thoả thuận, giám sát, phán xử và đặc biệt là cơ quan giải quyết tranh chấp hiện nay”.
Đến nay ưu tiên cải tổ WTO của EU đã đạt được sự đồng thuận cơ bản của các nước thành viên, đặc biệt là từ chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, hoạt động Cơ quan phúc thẩm (SAB) và Cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc WTO đã bị tê liệt khi ông Donald Trump từ chối bổ nhiệm các thành viên mới vào hai cơ quan này. Ông Donald Trump cũng đe doạ rút khỏi WTO.
Các phương án cải tổ WTO của EU sẽ được chính thức đưa ra bàn thảo tại hội nghị bộ trưởng lần thứ 12 của WTO dự kiến tổ chức trong tháng 6/2021. Quyết tâm cải tổ WTO của EU có thể tạo ra nhiều xáo trộn trong cơ cấu nhân sự của tổ chức điều phối thương mại hàng đầu thế giới.
Trong bản chiến lược thương mại mới, EU tiếp tục cho biết quan hệ thương mại với Hoa Kỳ là "quan hệ đối tác lớn nhất và quan trọng nhất về kinh tế trên thế giới", ngay cả khi dữ liệu của EU cho thấy Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của khối này vào năm ngoái. EU cũng nhấn mạnh họ có quyền thực hiện các hành động nhằm loại bỏ các “tác động tiêu cực” từ cách tiếp cận của Trung Quốc trong thương mại và đầu tư.
"Đảm bảo Trung Quốc thực hiện các nghĩa vụ lớn hơn trong thương mại quốc tế, và cùng lúc giải quyết tác động tiêu cực mà hệ thống kinh tế tư bản nhà nước của họ gây ra, sẽ là trọng tâm trong nỗ lực của EU nhằm tái cân bằng quan hệ thương mại song phương", EU nêu trong báo cáo đánh giá chính sách thương mại mới.