Uỷ ban Châu Âu (EC) là cơ quan chịu trách nhiệm về đề nghị lập pháp, thi hành các quyết định, duy trì các hiệp ước Liên minh Châu Âu (EU) và điều hành công việc chung hàng ngày của 27 quốc gia thành viên trong EU. EU hiện là đối tác thương mại quan trọng của 74 quốc gia trên thế giới.
Giám đốc thương mại của EU Valdis Dombrovskis cho biết những thách thức mới trong thương mại toàn cầu đòi hỏi EU phải có chiến lược chính sách thương mại mới và các công cụ mới được EC đề xuất sẽ giúp cho khối này có các công cụ để tự vệ khi đối mặt với các hành vi thương mại không công bằng.
Ông Valdis Dombrovskis cho biết "Chúng tôi đang theo đuổi một tiến trình mang tính mở, chiến lược và quyết đoán, nhấn mạnh khả năng của EU trong việc đưa ra lựa chọn của riêng mình và định hình thế giới xung quanh".
Trong vài năm qua, EU đã gặp nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy chính sách thương mại đa phương của mình. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã áp thuế quan đối với nhiều hàng hoá quan trọng của EU và đe doạ đánh thuế bổ sung đối với mặt hàng ô tô do các hãng sản xuất tại Châu Âu. Trong năm 2018, Hoa Kỳ và Châu Âu cũng không đạt được thoả thuận thương mại như đã kỳ vọng.
EU cũng không đánh giá Hoa Kỳ là đối tác tiêu biểu khi giải quyết các vấn đề thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, các quy tắc thương mại quốc tế do Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) khởi xướng cũng bị chính quyền của Tổng thống Donald Trump thách thức. EC cho biết đã đến lúc phát triển thương mại trên toàn thế giới hơn nữa, để có thể đối phó tốt hơn với cú sốc kinh tế từ cuộc khủng hoảng Covid-19.
Ông Holger Schmieding – Kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Berenberg Bank (Đức) nhận định việc theo đuổi lập trường “quyết đoán” hơn của EC có thể cho thấy sự phân chia quan hệ của EU đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Theo ông Holger Schmieding, EU có thể hướng nhiều hơn về Trung Quốc trong lập trường chiến lược thương mại mới.
Ông Holger Schmieding nhận định “EU muốn chỉ ra rằng họ có thể đáp trả mạnh mẽ bất kỳ mối đe doạ nào từ bên ngoài”. Mục đích chính của EU có thể là muốn tìm thấy sự đồng thuận của Hoa Kỳ, theo ông Holger Schmieding.
EU hiện muốn hồi sinh WTO – cơ quan vốn chịu nhiều áp lực phải cải tổ sau 25 năm hoạt động trong bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều thay đổi. Kế hoạch của EU bao gồm việc khôi phục hoạt động của Cơ quan phúc thẩm (SAB) thuộc WTO. SAB vốn chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, hoạt động của SAB đã bị tê liệt khi cựu Tổng thống Donald Trump từ chối bổ nhiệm các thành viên mới vào SAB.
EU đề xuất WTO cải tổ theo hướng tăng cường tính minh bạch trong thực tiễn thương mại của các thành viên, cập nhật các quy tắc về thương mại kỹ thuật số và có các thỏa thuận "đa phương" để tạo thuận lợi hơn trong các đàm phán thỏa thuận mới.
Giáo sư Erik Jones tại Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) nhận định chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden rõ ràng quan tâm đến việc khôi phục mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, như một công cụ để đối phó hiệu quả hơn với Trung Quốc. Do đó, chính quyền của ông Joe Biden cũng mong muốn khởi động lại WTO như EU.
EC cũng sẽ phải xem xét tầm quan trọng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với thương mại Châu Âu trong việc thiết lập cách tiếp cận thương mại mới. Các dữ liệu mới cho thấy Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Châu Âu.
Trung Quốc và EU đã đạt được một thoả thuận đầu tư mới vào tháng 12/2020 nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Châu Âu hoạt động tại Trung Quốc. Thoả thuận này được hoàn tất ngay trước khi trước khi ông Joe Biden nhậm chức hồi cuối tháng 1/2021.
"Cuộc khủng hoảng hiện tại không cho chúng ta lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với các đối tác toàn cầu, bao gồm cả Trung Quốc", ông Valdis Dombrovskis cho biết.