Đến nay đã hơn 1 tháng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu – EU (EVFTA) có hiệu lực. Hiệp định đang tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may. Tuy vậy, để được hưởng những ưu đãi từ Hiệp định, ngành dệt may sẽ phải vượt qua nhiều thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất vẫn là quy tắc xuất xứ.
Với Hiệp định EVFTA, 100% các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, với mặt hàng dệt may, EU sẽ xóa bỏ thuế quan 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 5 năm và 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm. Như vậy, lợi thế cạnh tranh về thuế của các quốc gia đang cạnh tranh với nước ta như Bangladesh, Campuchia, Pakistan sẽ không còn trong thời gian tới.
Hiệp định EVFTA có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu cho ngành dệt may, đặc biệt trong bối cảnh ngành dệt may đã chịu tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và gần đây là dịch bệnh Covid 19. Cùng với lợi ích về xóa bỏ thuế quan, EVFTA với quy tắc xuất xứ yêu cầu “từ vải” kết hợp với yêu cầu “từ sợi trở đi” sẽ thúc đẩy việc hình thành chuỗi sản xuất khép kín, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành. Tuy vậy, việc thực hiện EVFTA cũng như các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác đặt ra những thách thức đối với Việt Nam.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, Tổng Công ty cũng tính toán đến chiến lược phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước, giúp doanh nghiệp tối đa hóa lợi ích, không chỉ trong EVFTA mà còn trong nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác.
“Với Tổng công ty May 10, trong các chủng loại sản phẩm đang xuất khẩu vào châu Âu có những chủng loại sản phẩm có được hưởng về thuế bằng không ngay. Chúng tôi có thể sử dụng chuỗi cung ứng dệt may để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ từ vải nhưng cũng có những sản phẩm mà chúng tôi vẫn chưa thể mua được trong nước, do một số doanh nghiệp dệt trong nước chưa tăng được năng suất cũng chưa làm ra những chủng loại vải mà chúng tôi cần. Tuy nhiên, tôi đánh giá đây chỉ là những khó khăn trong ngắn hạn, Hiệp định EVFTA sẽ có những lợi ích rất lớn” - ông Việt nói.
So với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia, quy tắc xuất xứ trong EVFTA có nhiều điểm mới và phức tạp hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo. Cụ thể với ngành dệt may của Việt Nam, để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo EVFTA thì yêu cầu vải phải được dệt tại Việt Nam hoặc EU và cắt may tại Việt Nam.
Nói rõ hơn là quy tắc xuất xứ cho hàng dệt may được thể hiện dưới dạng “quy trình sản xuất cụ thể” không phải quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa như Hiệp định CPTPP hay các FTA đã ký khác. Ngoài ra, trong EVFTA, nguyên tắc cộng gộp cho phép doanh nghiệp Việt Nam sử dụng vải của Hàn Quốc hoặc một nước thứ ba mà hai bên cùng ký hiệp định thương mại tự do như Nhật Bản.
Tuy nhiên, hiện nay, việc cộng gộp vải vẫn chưa được áp dụng, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam nhận định: “Nếu nhanh chóng có thỏa thuận của Việt Nam với Hàn Quốc và Nhật Bản về quy tắc xuất xứ, để đảm bảo cộng gộp được hưởng EVFTA, thì chúng ta ngoài 20% tự chủ nguyên liệu trong nước, bây giờ có thêm 25% của Hàn Quốc và Nhật Bản cộng gộp thì gần như chúng ta đã có tới 45% đáp ứng được yêu cầu. Cho nên rất quan trọng, việc thỏa thuận của Bộ Công Thương đối với Hàn Quốc rồi sau đó là Nhật Bản và thông báo chính thức cho EU là chúng ta được quyền áp dụng”.
Để được hưởng những ưu đãi từ EVFTA, nhiều năm nay, các doanh nghiệp dệt may đã tính toán đến chiến lược phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước, giúp doanh nghiệp tối đa hóa lợi ích, không chỉ trong EVFTA mà còn trong nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác. Đồng thời, giảm thiểu rủi ro khi tập trung vào nguyên phụ liệu từ một vài thị trường.
Theo thống kê, hiện nay, ngành dệt may có 85% số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 50 tỷ đồng, 15% doanh nghiệp có quy mô vốn hơn 50 tỷ đồng, doanh nghiệp có quy mô vốn hơn 500 tỷ chỉ chiếm 3%. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi để tạo sức hút cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tham gia triển khai xây dựng các dự án đầu tư vào dệt, nhuộm, theo quy trình khép kín.
Việc chú trọng cải cách hành chính nhằm tháo gỡ những thủ tục về xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp, đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và các tiêu chuẩn, quy trình quản lý do Liên minh châu Âu quy định cũng được đặt ra.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên đánh giá: “Chúng ta không có đường nào khác là phải tạo được lợi ích cho người nhà đầu tư. Nếu người ta đầu tư vào mà người ta không biết được tính chính xác thì rất khó. Ví dụ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bao nhiêu năm? Đất cho thuê bao nhiêu năm ưu đãi? Vấn đề môi trường có thể xử lý nước thải không? Nếu ta không trả lời câu hỏi đó thì chắc chắn không ai cho đầu tư cả.
Ngành dệt may đã có kiến nghị rất nhiều với Chính phủ và Chính phủ cũng phải có chủ trương rất lớn về vấn đề này thì mới giải quyết điểm đó. Có được như thế thì sau 3 năm nữa thì lợi ích về thuế chúng ta mới có thể giảm được, ví dụ ta có thể giảm xuống chỉ còn 0% thôi thì lập tức lượng xuất khẩu chúng ta có thể tăng lên”.
Hiệp định EVFTA kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích dài hạn cho ngành dệt may Việt Nam trong việc gia tăng thị phần xuất khẩu vào thị trường EU. Cùng với đó, Hiệp định sẽ thúc đẩy việc hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ thượng nguồn đến cắt may thành phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành và giảm dần phụ thuộc việc nhập khẩu nguyên phụ liệu bên ngoài.