EVN hướng dẫn thủ tục công nhận vận hành thương mại cho nhà đầu tư điện mặt trời

Các chủ đầu tư dự án điện mặt trời hoan nghênh EVN đã chủ động tổ chức Hội nghị, để các doanh nghiệp được bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc.

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến thời điểm ngày 30/6/2019 - thời hạn mà các nhà đầu tư điện mặt trời được hưởng mức giá bán điện 9,35 cent/kWh theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay gần 100 nhà đầu tư đang tập trung cao độ để phấn đấu đạt được các yêu cầu công nhận Ngày vận hành thương mại (COD).

Việc dồn dập tiến hành thử nghiệm và cấp chứng nhận COD cho gần 100 dự án điện mặt trời chỉ trong khoảng thời gian hơn 3 tháng tới cũng là thách thức không nhỏ với các đơn vị quản lý vận hành hệ thống điện. Với mục tiêu tìm giải pháp tối ưu nhất cho các bên, EVN đã tổ chức Hội nghị chuẩn bị vận hành cho các Nhà máy điện mặt trời vào ngày 22/3/2019 vừa qua để trao đổi, lấy ý kiến các chủ đầu tư về Dự thảo quy trình quy định trình tự, thủ tục chạy thử nghiệm thu và công nhận ngày vận hành thương mại (COD) từng phần/cả nhà máy.

Hội nghị cũng là cơ hội để EVN công khai minh bạch thông tin về hiện trạng vận hành lưới điện khu vực miền Trung, miền Nam để các nhà đầu tư nắm rõ, đồng thời cùng phối hợp với phía ngành điện đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền giải pháp xử lý các vướng mắc khó khăn.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Tại Hội nghị, các đơn vị của EVN đã báo cáo về tình hình phát triển nguồn năng lượng tái tạo và đầu tư các dự án phục vụ đấu nối, giải tỏa công suất năng lượng tái tạo; Dự thảo quy trình quy định trình tự, thủ tục chạy thử, nghiệm thu và công nhận ngày vận hành thương mại (COD) từng phần/cả nhà máy; Tình hình đấu nối, chuẩn bị đóng điện các dự án điện mặt trời và các khó khăn, vướng mắc trong vận hành.
tháo gỡ những vướng mắc

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, các chủ đầu tư dự án điện mặt trời hoan nghênh EVN đã chủ động tổ chức Hội nghị, để các doanh nghiệp được bày tỏ nguyện vọng cũng như nêu lên các vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Đặc biệt, các chủ đầu tư dự án cũng đánh giá cao việc EVN đã hiện đại hóa, đơn giản hóa rất nhiều các thủ tục so với trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất điện. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư và các đơn vị phía EVN cũng đã trao đổi, thảo luận để làm rõ một số vấn đề kỹ thuật trên thực tế cũng như kiến nghị về các công tác, quy trình, thủ tục phục vụ việc vận hành các nhà máy điện mặt trời.

Tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, đại diện lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, lãnh đạo EVN và các đơn vị trực thuộc đã giải đáp các vướng mắc; cũng như đưa ra các kiến nghị, giải pháp để tạo điều kiện tối đa nhằm hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ các khó khăn trong việc đưa các nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trước ngày 30/6/2019.

EVN luôn hỗ trợ tối đa

Báo cáo tại Hội nghị, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, việc vận hành các nhà máy điện mặt trời sẽ gặp không ít khó khăn, do nguồn năng lượng này có tính không ổn định về công suất phát. Cụ thể, công suất nguồn năng lượng mặt trời thay đổi tức thời theo điều kiện thời tiết; các nhà máy trong cùng khu vực có xu hướng cùng biến động, dẫn đến sự thay đổi đồng thời một lượng công suất lớn – tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định hệ thống.

Ngoài ra, từ tháng 6/2019, việc vận hành các nguồn năng lượng tái tạo phải đảm bảo yêu cầu không gây quá tải các đường dây, máy biến áp, dẫn đến sóng hài điện áp có khả năng vượt giới hạn trên lưới điện 110 kV, nhất là khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận...

Bên cạnh đó, số lượng các nhà máy điện mặt trời dự kiến vào vận hành từ nay đến hết tháng 6 là rất lớn (miền Bắc 6 dự án, miền Nam 54 dự án, miền Trung 28 dự án), gây khó khăn và áp lực lớn về tiến độ thử nghiệm, nghiệm thu; chưa kể một số thời điểm tình hình thời tiết không đảm bảo điều kiện yêu cầu để vận hành thử nghiệm.

Trước những khó khăn này, A0 đã chủ động gửi công văn và hướng dẫn các chủ đầu tư, phối hợp sớm cung cấp tài liệu, phục vụ chuẩn bị đóng điện vận hành. Đồng thời, A0 cũng tăng cường thời gian làm việc 3 ca, kể cả ngày nghỉ cuối tuần; sắp xếp bố trí nhân lực để hỗ trợ các bộ phận có khối lượng công việc tăng cao như Trung tâm Điều độ miền Trung, miền Nam...

Tuy nhiên, theo A0, do khối lượng công việc của thời gian tới là rất lớn, nên để các nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành đúng tiến độ dự kiến, chủ đầu tư cần sớm cung cấp tài liệu kỹ thuật của dự án và đầu mối liên lạc cho các cấp điều độ theo quy định để phối hợp chuẩn bị đóng điện công trình; cập nhật thường xuyên tiến độ gửi cấp điều độ có thẩm quyền điều khiển...

Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân
Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân phát biểu tại Hội nghị


Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, EVN sẽ tiếp thu ý kiến của các chủ đầu tư, đồng thời sẽ sớm ban hành Quy định tạm thời về Trình tự, thủ tục chạy thử, nghiệm thu và công nhận ngày COD từng phần/cả nhà máy điện mặt trời. Các đơn vị của EVN cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ tối đa các chủ đầu tư để tạo điều kiện tối đa cho các nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019.

PV