Đây là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực vì cộng đồng của chương trình mổ mắt từ thiện “Niềm tin Việt” do EVN và Quỹ Tấm lòng Việt – Đài truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức.
Chiều 29/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Quỹ Tấm lòng Việt - Đài truyền hình Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ công bố chương trình mổ mắt từ thiện “Niềm tin Việt”. Chương trình này nhằm góp phần hoàn thành các chỉ tiêu trong Chiến lược quốc gia về chống mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Theo đó, cùng với việc tài trợ cho gần 500 ca mổ mắt thay thủy tinh thể, EVN và Quỹ “Tấm lòng Việt” cùng huy động tất cả các tổ chức, cá nhân, đoàn thể xã hội chung tay hỗ trợ và đồng hành cùng chương trình.
Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, với tinh thần sẻ chia và trách nhiệm với cộng đồng, trong những năm qua, EVN đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Tính riêng giai đoạn 2013-2018, EVN đã đầu tư hơn 6.100 tỷ đồng để cấp điện lưới quốc gia cho 11/12 huyện đảo trên cả nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong chương trình mổ mắt từ thiện "Niềm tin Việt”, EVN sẽ góp phần cứu chữa, tìm lại ánh sáng cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn có bệnh lý về mắt. "Việc cứu chữa, đem lại ánh sáng cho các bệnh nhân cũng gắn liền với hình ảnh và thông điệp của EVN là Thắp sáng niềm tin. Mỗi bệnh nhân tìm lại được ánh sáng, chính là chúng ta cũng đang lan tỏa niềm tin, niềm hy vọng cho cộng đồng", ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh.
Bà Vũ Thanh Thủy, Giám đốc Quỹ tấm lòng Việt cho biết, EVN và Quỹ Tấm lòng Việt sẽ phối hợp cùng với bệnh viện đa khoa các tỉnh để triển khai chương trình này hiệu quả.
Chương trình đã sàng lọc, khám hỗ trợ và mổ mắt cho 200 bệnh nhân có bệnh lý về mắt tại tỉnh Thái Bình. Trong năm nay, sẽ tiếp tục triển khai tại tỉnh Hải Dương, Phú Thọ và tiến tới mở rộng ra các tỉnh, thành trên cả nước.
Trong Chiến lược quốc gia về chống mù lòa, Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỉ lệ mù lòa xuống dưới 4,5 người/1.000 dân vào năm 2020; tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 2,5 người/1.000 dân.