Ông Lê Hoàng Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc EVNCPC cho biết, đơn vị thông tin để dư luận hiểu rõ hơn kiến nghị của 11 chủ đầu tư nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tại Kon Tum, cũng như quy định về việc huy động công suất của các nhà máy thủy điện hiện nay.
Theo EVNCPC, ngày 28/6/2023, EVNCPC nhận được đơn kiến nghị của 11 chủ đầu tư NMTĐ vừa và nhỏ về việc đề nghị huy động công suất các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được huy động theo cơ chế chi phí tránh được trên địa bàn tỉnh.
Các chủ đầu tư đề nghị cho phép phát vượt công suất của tổ máy nhà máy thủy điện vừa và nhỏ so với hợp đồng mua bán điện và giấp phép hoạt động điện lực, cũng như giấy khai thác nước mặt; đề nghị thanh toán tiền đối với sản lượng phát vượt công suất.
Ngày 30/6, EVNCPC có Văn bản số 4530 gửi các chủ đầu tư nhà máy thủy điện về việc phúc đáp các nội dung liên quan nói trên.
Ngày 3/7, PC Kon Tum cũng tổ chức buổi gặp gỡ, lắng nghe kiến nghị của các chủ đầu tư. Theo các chủ đầu tư, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tại Kon Tum chủ yếu là các dự án thủy điện có lòng hồ nhỏ, gần như không chứa được nước khi có mưa lớn và phải xả tràn thường xuyên, gây lãng phí tài nguyên phát điện và giảm hiệu quả cho các chủ đầu tư, làm mất nguồn thu cho ngân sách của tỉnh.
Do đó, đề nghị EVNCPC xem xét trong trường hợp không xảy ra quá tải lưới điện, hoặc không ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện thì cho phép các nhà máy thủy điện này huy động theo cơ chế chi phí tránh được, các nhà máy thủy điện được phép phát tối đa công suất theo khả năng nguồn nước. Ngoài ra, phần công suất phát vượt so với công suất thiết kế hiện chưa được thanh toán làm ảnh hưởng đến doanh thu của các chủ đầu tư.
Sau khi nghe ý kiến của các chủ đầu tư nhà máy thủy điện, ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc PC Kon Tum cho biết, PC Kon Tum thực hiện huy động công suất các nhà máy thủy điện tuân thủ quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành và không huy động vượt quá công suất tối đa được quy định trong hợp đồng mua bán điện và giấy phép hoạt động điện lực. Đối với nội dung huy động tối đa công suất theo nguồn nước và thanh toán chi phí phần công suất phát vượt như kiến nghị của các chủ đầu tư, EVNCPC đã có Văn bản số 4526 ngày 30/6/2023 báo cáo đến cấp có thẩm quyền để được hướng dẫn và xử lý.
Tại buổi gặp gỡ, 11 chủ đầu tư tham gia làm việc đều thống nhất trong khi chờ cấp có thẩm quyền trả lời các nội dung kiến nghị của EVNCPC. Các chủ đầu tư cam kết tuân thủ và chấp hành nghiêm túc các nội dung theo hợp đồng mua bán điện đã ký, cũng như các quy định về điều độ hệ thống điện và các quy định pháp luật liên quan khác.
Thông tin rõ về các kiến nghị của chủ đầu tư nhà máy thủy điện, ông Lê Hoàng Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc EVNCPC cho biết, về việc huy động công suất phát điện của các nhà máy thủy điện, theo các quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BCT ngày 5/11/2014 của Bộ Công Thương quy định quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia, căn cứ Quy trình phối hợp vận hành nhà máy thủy điện được ký kết giữa chủ đầu tư nhà máy thủy điện và đơn vị phân phối điện, thì công suất huy động nhà máy thủy điện không vượt quá công suất tối đa của nhà máy được quy định trong hợp đồng mua bán điện đã được ký kết.
Về việc phát vượt công suất, theo lãnh đạo EVNCPC, Luật Điện lực quy định đơn vị phát điện có quyền, nghĩa vụ "Hoạt động phát điện và các hoạt động khác theo giấy phép hoạt động điện lực" và "Tuân thủ phương thức vận hành, lệnh chỉ huy, điều khiển của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia" và tại hợp đồng mua bán điện mẫu của Bộ Công Thương.
Từ các cơ sở nêu trên, việc phát vượt công suất là chưa phù hợp theo quy định của hợp đồng mua bán điện và giấy phép hoạt động điện lực. EVNCPC cũng đã báo cáo cấp có thẩm quyền để được hướng dẫn thực hiện huy động công suất phát vượt này.
Ông Lê Hoàng Anh Dũng cho biết thêm, ngày 27/6/2023, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có văn bản gửi EVN về việc khai thác hiệu quả nhất các nguồn thủy điện. Theo đó: Cục Quản lý tài nguyên nước đề nghị Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động tối đa nguồn năng lượng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước đối với các nhà máy thủy điện đã được xây dựng với quy mô công suất lắp máy và các thông số kỹ thuật đúng quy hoạch ngành điện, giấy phép hoạt động điện lực, giấy phép tài nguyên nước,… tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan.
"Về chủ trương này, hiện nay, chưa có quy định cụ thể về việc thanh toán đối với phần sản lượng tương ứng với công suất phát vượt quy định, nên EVNCPC chưa có cơ sở thực hiện. EVNCPC đã báo cáo cấp có thẩm quyền để được hướng dẫn xử lý đối với phần sản lượng này", lãnh đạo EVNCPC cho biết.
Trao đổi thêm với báo chí, ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Thị trường điện EVN cho biết, việc phát thừa công suất của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ chủ yếu xảy ra vào các khung giờ khi nguồn nước về nhiều vượt quá dự báo nhà máy. Tuy nhiên, mẫu hợp đồng mua bán điện của Bộ Công Thương hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc thanh toán đối với phần sản lượng tương ứng với công suất phát vượt quy định.
"Với đề nghị thanh toán tiền đối với sản lượng phát vượt công suất của các chủ đầu tư, EVN đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương để xây dựng chủ trương, có hướng dẫn giải quyết", ông Phạm Anh Tuấn cho hay.