Theo ông Vũ Anh Phương, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), sau hai năm đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, đến nay gần như các hoạt động đã trở lại trạng thái bình thường mới, dự kiến các doanh nghiệp sẽ phục hồi sản xuất, đòi hỏi nhu cầu về cung cấp điện sẽ tăng cao.
Dự báo về nhu cầu sử dụng điện năm 2022, theo tính toán thì cơ bản hệ thống điện Quốc gia vẫn đảm bảo cấp điện cho phụ tải miền Bắc trong năm 2022. Tuy nhiên, dự báo vào mùa hè sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng, phụ tải tăng cao đột biến.
“Chúng tôi tính toán công suất lớn nhất (Pmax) hè năm 2022 sẽ tăng trưởng từ 12 – 15%, có thể đạt 16.500 – 16.950 MW (tăng ~ 2000 MW so với mùa nắng nóng 2021). Trong khi đó nguồn điện bổ sung so với năm 2021 tại miền Bắc chỉ xấp xỉ khoảng 1000 MW và năng lực truyền tải của đường dây 500kV Bắc Trung vẫn giống như năm ngoái (giới hạn các mạch Hà Tĩnh – Đà Nẵng, Vũng Áng – Đà Nẵng, Hà Tĩnh – Nho Quan truyền tải tối đa ~ 1.800 MW). Ngoài ra, lượng công suất mua điện Trung Quốc cũng bị hạn chế (Pmax ~ 540MW vào tháng 05 – 06). Do đó, dự báo trong các ngày nắng nóng cực đoan này sẽ thiếu hụt công suất đỉnh vào các khung giờ cao điểm (trưa từ 12h00 - 15h00, tối từ 21h00 - 24h00)”, ông Phương cho biết.
Chủ động thích ứng
Để đảm bảo an ninh cung cầu, EVNNPC đã xây dựng các phương án điều chỉnh phụ tải, làm việc với chính quyền địa phương và các khách hàng lớn về việc điều chỉnh phụ tải (DR), chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thời gian ca kíp; ưu tiên cho các phụ tải loại 1 và phụ tải sinh hoạt.
Đặc biệt, Tổng công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai năm 2022 với chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả” với các giải pháp gồm:
Một là, thích ứng an toàn trong mọi hoạt động của đơn vị như: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh/TP về phòng chống dịch; Nâng cao công tác truyền thông phòng chống dịch Covid 19 và các hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch tại các địa phương; Xây dựng phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng tương ứng với các cấp độ dịch theo nguyên tắc chỉ đạo của Chính phủ.
Hai là, linh hoạt, xây dựng các kịch bản bố trí làm việc linh hoạt, vận hành linh hoạt lưới điện nhằm chủ động các tình huống khi có tình hình lây lan dịch bệnh ở các đơn vị, địa phương hay khi có sự cố, diễn biến bất thường khí hậu, đảm bảo cung cấp điện cho các địa phương trên địa bàn quản lý để có giải pháp điều hành kịp thời, đảm bảo thực hiện hoàn thành KH năm 2022…
Ba là, nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình tiết kiệm chống lãng phí năm 2022; Đề ra các giải pháp và quyết liệt thực hiện để đạt hiệu quả trong SXKD và đầu tư xây dựng, sắp xếp bố trí nguồn vốn, đảm bảo tiến độ các công trình ĐTXD; Nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, giảm thời gian xử lý công việc tối thiểu 10% so với năm 2021; Cung cấp các yêu cầu dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4, cũng như điện tử hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện đạt tỷ lệ 100%.
Trước đó, ngay từ cuối năm 2021, EVNNPC đã xây dựng kế hoạch sớm đưa vào vận hành các công trình lưới điện mới, các dự án nâng cấp, cải tạo lưới điện, đã khởi công được 88 dự án, đóng điện 86 dự án lưới điện 110kV, công suất tăng thêm 2.528 MVA.
Nâng cao năng lực quản trị
Cùng với nỗ lực số hóa thành công nhiều quy trình nghiệp vụ trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh mang lại hiệu suất làm việc cao hơn và tiết kiệm rất nhiều chi phí, Tổng công ty cũng đã rất chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp và thoái vốn theo chỉ đạo của EVN, chỉ thị, chương trình làm việc và các chỉ đạo khác của HĐTV.
Ngay từ đầu năm 2021, Tổng công ty đã ban hành Chỉ thị về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp năm 2021, đến nay đã cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra. Tổng công ty đã xây dựng, hoàn thiện và báo cáo EVN các đề án, phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp theo chỉ đạo của cấp trên, trong đó có các nội dung trọng điểm như: Đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch điều chỉnh lộ trình chuyển nhượng vốn giai đoạn 2021-2025 của Tổng công ty… đồng thời chủ động kiện toàn mô hình tổ chức tại các đơn vị như Đội sửa chữa nóng lưới điện trung thế, quản lý dự án đầu tư xây dựng…, góp phần thống nhất mô hình tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị.
Đặc biệt, EVNNPC đã tập trung xây dựng và ban hành mới, sửa đổi các quy định quản lý nội bộ về phân công nhiệm vụ trong Ban lãnh đạo Tổng công ty, tổ chức hoạt động của đơn vị như Công ty Điện lực, Đội hotline… nhằm chuẩn hoá chức năng nhiệm vụ tại các đơn vị.
Nhằm nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, ông Vũ Anh Phương cho biết: EVNNPC đã phê duyệt và triển khai thực hiện đồng bộ các đề án, phương án, kế hoạch trong mọi lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung vào 10 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nâng cao năng lực quản trị tài chính của EVNNPC và các đơn vị; Nâng cao năng lực trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng; Nâng cao năng lực quản trị nguồn nhân lực; Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành hoạt động SXKD; Thực hiện cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Quản trị rủi ro; Nâng cao công tác quản lý chất lượng, tiến độ các dự án ĐTXD; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và phòng, chống tham nhũng; Triển khai Chiến lược phát triển EVN tại EVNNPC đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong năm 2022, Tổng công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tập trung vào 4 nội dung trọng tâm gồm sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp; thoái vốn, quản lý vốn góp của EVNNPC tại các doanh nghiệp khác; tăng cường công tác sản xuất kinh doanh khác; và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.
Tổng công ty cũng sẽ tiếp tục bổ sung cập nhật đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Tổng công ty giai đoạn 2022-2025 để báo cáo EVN trong tháng 5 năm 2022, trong đó bao gồm nội dung liên quan đến việc sáp nhập một số công ty thành viên để tăng cường hiệu quả.