Con người chính là chìa khóa để mở cửa thành công trong mỗi doanh nghiệp. Ở Tập đoàn Điện lực Điện lực Việt Nam nói chung và Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) nói riêng, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao chính là yếu tố để mở lối đi lên.
Địa chỉ đỏ cung cấp những kỹ sư giỏi cho ngành Điện
Cùng với sự phát triển của ngành giáo dục cả nước, trong số các địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật điện suốt từ những năm kháng chiến chống Mỹ đến nay, ngành điện “biết ơn” bộ môn Hệ thống điện, nay là Khoa Điện, trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây thực sự là địa chỉ đỏ cung cấp cho Tổng công ty Điện lực miền Bắc những lãnh đạo tài năng, những kỹ sư giỏi, những cán bộ tâm huyết vì mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống điện Việt Nam phát triển lớn mạnh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Kể từ khi thành lập năm 1957, trên 15.000 sinh viên đã tốt nghiệp ngành Hệ thống điện, trưởng thành từ mái trường Đại học Bách khoa Hà Nội và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một trong những đơn vị có nhiều cựu sinh viên ngành Hệ thống điện đã và đang công tác là Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Đây là Tổng công ty có quy mô lớn trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý lưới điện của 27 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra (trừ Hà Nội).
Nhìn lại chặng đường 65 năm xây dựng bộ môn Phát dẫn điện, tiền thân của Bộ môn Hệ thống điện sau này và là Khoa Điện, Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, mỗi CBCNV của EVNNPC có xuất thân đào tạo ngành Hệ thống điện, Đại học Bách khoa Hà Nội đều vô cùng tự hào và biết ơn mái trường đã đào tạo và giúp họ trưởng thành, phát triển.
Khoa Điện tự hào vì Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc và 3 Phó Tổng Giám đốc EVNNPC đều là cựu sinh viên hệ thống điện, chưa kể các cựu lãnh đạo Tổng công ty, lãnh đạo các Ban của cơ quan Tổng công ty và lãnh đạo nhiều đơn vị thành viên của Tổng công ty cũng từng là cựu sinh viên Hệ thống điện. Hàng nghìn kỹ sư giỏi đang công tác tại EVNNPC cùng các đơn vị thành viên cũng được đào tạo từ mái nhà Hệ thống điện – Đại học Bách khoa Hà Nội.
Chị Đỗ Nguyệt Ánh – người phụ nữ có vị trí lãnh đạo cao nhất tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc, cũng là người phụ nữ giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng thành viên một Tổng công ty Điện lực có quy mô lớn nhất cả nước tự hào là cựu sinh viên Hệ thống điện - Đại học Bách khoa Hà Nội.
Chị Ánh đã từng là sinh viên K37 Văn bằng 2, bộ môn Hệ thống điện - Đại học Bách khoa Hà Nội. Từng du học Liên Xô, về công tác trong ngành điện, nhưng để làm việc đúng chuyên môn, chị đã theo học văn bằng 2 và trưởng thành qua nhiều chức vụ, từ Phó Tổng Giám đốc, rồi Tổng Giám đốc và hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, chị luôn biết ơn sự giảng dạy và dìu dắt những người thầy, người cô đã tại Bộ môn Hệ thống điện - những nhà giáo đã giúp chị trang bị đầy đủ kiến thức cần và đủ cho sự nghiệp phấn đấu xây dựng và phát triển ngành điện lực miền Bắc.
Với cương vị là người đứng đầu EVNNPC, Chủ tịch HĐTV Đỗ Nguyệt Ánh khẳng định: Trong suốt nhiều năm qua, được sự hỗ trợ và giúp đỡ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đã có rất nhiều CBCNV Tổng công ty đã tốt nghiệp tại mái trường uy tín này.
"Chúng tôi luôn đánh giá cao công tác đào tạo của Nhà trường và mong muốn bằng những kinh nghiệm quý báu của mình, các thầy, cô giáo của Nhà trường tiếp tục có những đóng góp cũng như phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty EVNNPC để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thêm những chương trình đào tạo chuyên sâu và những chương trình tích hợp hữu ích đáp ứng được nhu cầu của hai bên trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật điện tiên tiến", chị Nguyệt Ánh nhấn mạnh.
Anh Vũ Anh Phương, một kỹ sư hệ thống điện có bề dày nhiều năm “lăn lộn” thực địa ở khắp các vùng miền phía Bắc, trực tiếp tham gia thi công, giám sát, quản lý các công trình đầu tư xây dựng điện lực của EVNNPC cũng thầm khắc ghi những bài học, những kiến thức mà trong suốt những năm học tập dưới mái nhà Hệ thống điện – Đại học Bách khoa Hà Nội đã trang bị cho anh.
Hiện nay, với cương vị là Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật, an toàn của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, anh cũng là người chắp nối sự hợp tác nghiên cứu các công trình khoa học với Khoa Điện, trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật, thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo, đưa khoa học, các công trình nghiên cứu từ lý luận đến với thực tế quản lý vận hành hệ thống điện miền Bắc.
Hợp tác phát triển nhân lực chất lượng cao và ứng dụng khoa học kỹ thuật
Trong những năm trở lại đây, với yêu cầu cấp bách là phải đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ cao để nhanh chóng phát triển ngành điện ngành một hiện đại hơn nữa, vươn lên nganh tầm các nước trong khu vực và hệ thống điện thế giới, công tác hợp tác phát triển nguồn nhân lực luôn được Tổng công ty Điện lực miền Bắc ưu tiên đầu tư.
Năm 2018, Khoa Điện, trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội đã hợp tác với Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Phú Thọ thực hiện 2 đề tài khoa học ứng dụng. Đó là nghiên cứu bổ sung chống sét cho đường dây 110kV và Phần mềm quản lý điều hành giảm tổn thất điện năng của Công ty Điện lực Phú Thọ. Đây là 2 đề tài cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam do Tổng công ty Điện lực miền Bắc thực hiện và chủ trì.
Đề tài Nghiên cứu bổ sung chống sét cho đường dây 110kV Cẩm Phả - Vân Đồn thực hiện lắp đặt thêm chống sét và hoán chuyển vị trí chống sét hiện có trên đường dây; thực hiện bổ sung các vị trí hệ thống tiếp điện cho đường dây Cẩm Phả - Vân Đồn; viết báo cáo và kết quả tính toán.
Đối với Đề tài Phần mềm quản lý điều hành giảm tổn thất điện năng của Công ty Điện lực Phú Thọ là đề tài nghiên cứu tổng quan về tổn thất điện năng kỹ thuật và phi kỹ thuật, công tác quản lý điều hành giảm tổn thất điện năng; khảo sát các giải pháp đang thực hiện để giảm tổn thất điện năng tại Công ty Điện lực Phú Thọ; xây dựng quy trình điều hành giảm tổn thất điện năng và phân cấp cho các đơn vị thực hiện việc giảm tổn thất điện năng; xây dựng phần mềm điều hành của Ban chỉ đạo, Module Quản lý về kế hoạch, Module Quản lý điều hành về kinh doanh, Module Quản lý điều hành về kỹ thuật; Module Quản lý điều hành về Đầu tư xây dựng, Module Quản lý điều hành về kinh doanh, Module Quản lý điều hành về Điều độ, Module Quản lý điều hành về Đồng bộ dữ liệu, Module Quản trị hệ thống.
Các đề tài trên được hoàn thành trong năm 2019 và đã đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo giảm suất sự cố lưới điện đặc biệt sự cố do sét đánh vào đường dây và giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.
Gần đây nhất, trong tháng 9/2022, Công ty Điện lực Bắc Giang – Tổng công ty Điện lực miền Bắc (PC Bắc Giang) đã có buổi làm việc với các giảng viên Khoa Điện, Trường Điện - Điện tử thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội về sóng hài trên lưới điện các khu công nghiệp.
Để nâng cao chất lượng điện năng, đảm bảo vận hành an toàn thiết bị, trong thời gian qua Công ty Điện lực Bắc Giang đã chủ động kiểm tra, phát hiện sóng hài (sóng hài dòng điện, điện áp) tại các công trình điện của khách hàng và công trình điện của ngành điện, đặc biệt tại các khu công nghiệp. Kết quả sau khi kiểm tra đã phát hiện nhiều công trình điện của khách hàng có biến dạng riêng lẻ và biến dạng tổng sóng hài vượt quá quy định tại Thông tư số 30/2019/TT-BCT.
Công ty Điện lực Bắc Giang đã có các văn bản đề nghị khách hàng, chủ tài sản xử lý kịp thời để đảm bảo vận hành an toàn thiết bị, nâng cao chất lượng điện năng, trước hết là cho chính khách hàng, chủ tài sản đó, sau đó là không làm ảnh hưởng đến các khách hàng khác.
Trước thực tế đó, các CBNV kỹ thuật Công ty Điện lực Bắc Giang và các giảng viên Khoa Điện, Trường Điện - Điện tử thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội đã đo thực tế sóng hài tại trạm biến áp 110kV Quang Châu. Các kết quả đo thực tế sẽ được các giảng viên Khoa Điện, Trường Điện - Điện tử thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội phân tích đánh giá và gửi lại Công ty Điện lực Bắc Giang để có các biện pháp xử lý kịp tình trạng xảy ra cộng hưởng sóng hài các khách hàng sử dụng điện sau trạm biến áp 110kV Quang Châu.
Cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của Khoa Điện, Công ty Điện lực Bắc Giang sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm tra sóng hài, hướng dẫn các doanh nghiệp có thiết bị gây nên sóng hài lớn triển khai các giải pháp để giảm sóng hài đảm bảo vận hành an toàn và ổn định.
Tiếp nối niềm tin
Là địa chỉ đỏ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho ngành điện nói chung và Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói riêng trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành của hai đơn vị, trong giai đoạn hiện tại, các đơn vị thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc tiếp tục đặt niềm tin với ngành Hệ thống điện – Đại học Bách khoa Hà nội.
Từ nhiều năm trước đây, các đơn vị thành viên của Tổng công ty đã phối hợp mở các lớp đào tạo vừa học vừa làm và Văn bằng 2 chuyên ngành Hệ thống điện (lớp liên kết với trường Đại học Bách Khoa Hà Nội theo hình thức đào tạo theo địa chỉ).
Đặc biệt, Trung tâm Đào tạo - Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Bắc cũng đã phối hợp với các đơn vị tổ chức lớp học Văn bằng 2 chuyên ngành Hệ thống điện với hơn 60 học viên là những cán bộ hiện đang công tác tại các Công ty Điện lực Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn, Bắc Ninh…, các Ban thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Tổng Công ty Truyền tải điện...
Đến nay, Trung tâm Đào tạo - Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Bắc cũng đã phối hợp với các đơn vị tổ chức được hơn 10 khóa đào tạo với hơn 600 lượt học viên chuyên ngành Hệ thống Điện.
Tin tưởng rằng, với quá trình xây dựng và trưởng thành 65 năm, ngành Hệ thống điện – Đại học Bách khoa Hà nội và Tổng công ty Điện lực miền Bắc tiếp tục có những hợp tác về đào tạo, khoa học công nghệ nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực kỹ thuật điện chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành điện lực Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước ngày một văn minh, hiện đại hơn.
[Quảng cáo]