Ngày 1/5 (theo giờ địa phương), Sở Bảo vệ tài chính và Đổi mới tiểu California (DFPI) của Hoa Kỳ thông báo chính thức tiếp quản ngân hàng First Republic Bank.
Cục Bảo hiểm tiền gửi liên bang Hoa Kỳ (FDIC) được chỉ định làm bên tiếp quản ngân hàng này. DFPI cũng thông báo ngân hàng JPMorgan Chase (Hoa Kỳ) sẽ mua lại toàn bộ số tiền gửi và gần như toàn bộ tài sản tại First Republic Bank. Toàn bộ các chi nhánh của First Republic Bank sẽ được mở cửa hoạt động trở lại vào thứ Hai (theo giờ địa phương) dưới thương hiệu của JPMorgan Chase.
Như vậy, First Republic Bank trở thành ngân hàng thứ 4 tại Hoa Kỳ bị sụp đổ trong vòng chưa đầy 2 tháng trở lại đây, sau các ngân hàng: Silicon Valley Bank, Signature Bank và Silvergate Bank. Trong đó, Silicon Valley Bank - định chế tài chính lớn thứ 17 tại Hoa Kỳ và Signature Bank đã được FDIC tiếp quản.
First Republic Bank là ngân hàng thương mại lớn thứ 14 tại Hoa Kỳ hiện nay. Theo hãng tin A.P, tính đến ngày 31/3, ngân hàng này tổng tài sản 233 tỷ USD, phục vụ chủ yếu giới thượng lưu Hoa Kỳ. First Republic Bank có 84 chi nhánh và nguồn thu chính đến từ các khoản vay ưu đãi cho người giàu, được cho là gồm tỉ phú Mark Zuckerberg, ông chủ của tập đoàn Meta, công ty mẹ của Facebook.
Trong nhiều tuần gần đây, First Republic Bank đã được xem là ngân hàng có nguy cơ phá sản lớn nhất sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank hồi tháng 3 do ngân hàng này có lượng tiền gửi không bảo hiểm cao và chịu tác động từ các khoản vay có lãi suất thấp.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất nhanh và mạnh ở mức chưa từng có tiền lệ được xem là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ các ngân hàng gần đây. Giới chức FED cũng cảnh báo một số ngân hàng yếu kém tại Hoa Kỳ có thể rơi vào tình trạng khó khăn khi lãi suất ở mức cao.
Trước khi sụp đổ, First Republic Bank cho biết đã bị rút ròng hơn 100 tỷ USD tiền gửi trong tháng 3 vừa qua. Nguyên nhân chủ yếu do các khoản tiền gửi tại đây đều lớn hơn 250.000 USD - mức tối đa được FDIC bảo hiểm, khiến người gửi tiền lo ngại nếu ngân hàng bị sụp đổ thì những người gửi tiền có thể sẽ không lấy lại được tiền.
Trong vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank, FDIC đã đưa ra chính sách đặc biệt, cho phép “bảo đảm toàn bộ” lượng tiền gửi của tất cả những người gửi tiền, kể cả khoản tiền gửi lớn hơn ngưỡng 250.000 USD. FDIC cũng nhấn mạnh người nộp thuế tại Hoa Kỳ sẽ không phải chịu bất kỳ thiệt hại nào liên quan đến việc giải quyết hai tổ chức tài chính nói trên, đồng thời cho biết thêm rằng quyết định này được đưa ra nhằm “bảo vệ nền kinh tế Hoa Kỳ bằng cách củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng”.