Lạm phát lõi dai dẳng, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt
Lạm phát được xem là yếu tố chi phối chủ đạo triển vọng kinh tế toàn cầu thời gian tới. Lạm phát toàn cầu đã có xu hướng giảm xuống kể từ giữa năm 2022 khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh, đồng bộ chưa từng có tiền lệ. Mặc dù vậy, tỷ lệ lạm phát, đặc biệt là lạm phát lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng), vẫn cao gấp đôi so với mức trung bình trước năm 2021 và vượt xa so với mục tiêu của hầu hết các quốc gia.
Cụ thể, tại Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát toàn phần đang ở mức khoảng 7% với một số quốc gia thành viên là lên đến trên 15%, và lạm phát lõi toàn Eurozone ở mức cao kỷ lục 5,7%. Tại Hoa Kỳ, lạm phát toàn phần tăng 5% nhưng lạm phát lõi tăng tới 5,6%. Mức lạm phát mục tiêu trong trung hạn của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều là 2%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định ảnh hưởng của các cú sốc giá cả trước đây và tình trạng nguồn cung lao động phục hồi chậm sau đại dịch đang dần chuyển thành các nhân tố khiến lạm phát trở nên dai dẳng hơn. Cơ quan này dự báo tình trạng lạm phát cao có thể kéo dài đến cuối năm 2024, thậm chí sang năm 2025. Đáng chú ý, lạm phát kỳ vọng của thị trường cho đến nay vẫn tiếp tục neo ở mức cao.
Lạm phát lõi cao dai dẳng có thể buộc các ngân hàng trung ương duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian dài hơn. FED và ECB nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 5/2023 và mức lãi suất cao sẽ được neo đủ lâu để xử lý triệt để vấn đề lạm phát.
Hệ quả của điều này là đồng USD sẽ ở mức cao trong khoảng thời gian dài hơn, làm trầm trọng thêm thách thức mà nhiều nền kinh tế đang phải đối mặt: chi phí nhập khẩu tăng cao giữa lúc gánh nặng nợ phình to. Khoảng 44% giao dịch thương mại quốc tế được thực hiện bằng đồng USD và phần lớn nợ nước ngoài của các quốc gia được định giá bằng đồng USD nên có độ nhạy cảm lớn với các động thái chính sách tiền tệ của FED.
Lãi suất tăng cũng có thể làm trỗi dậy cuộc khủng hoảng ngân hàng đã khiến 3 ngân hàng của Hoa Kỳ liên tiếp phá sản trong tháng 3, bao gồm: Silicon Valley Bank (SVB) - định chế tài chính lớn thứ 17 tại Hoa Kỳ, kéo theo đó là cuộc khủng hoảng của ngân hàng thương mại lớn thứ hai Thuỵ Sĩ - Credit Suisse. Đồng thời, lãi suất cao sẽ gia tăng rủi ro đối với các doanh nghiệp đã vay nợ nhiều trong thời gian lãi suất thấp trước đây trong bối cảnh môi trường kinh doanh kém thuận lợi.
Thị trường đang ngày càng trở nên nhạy cảm hơn, những rối loạn của thị trường tài chính có thể dễ dàng lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế và “nguy cơ hạ cánh cứng, đặc biệt là đối với các nền kinh tế phát triển đã tăng cao hơn rất nhiều” - theo nhận định của IMF.
Mặc dù vậy, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva khuyến nghị các ngân hàng trung ương phải tiếp tục ưu tiên mục tiêu chống lạm phát rồi mới đến việc hỗ trợ ổn định các điều kiện tài chính.
Quá trình phục hồi ngày càng trở nên gập ghềnh hơn
Với tác động tích luỹ của những cú sốc kinh tế kéo dài ba năm qua cùng với các rủi ro tài chính mới xuất hiện. Quá trình phục hồi kinh tế thế giới ngày càng trở nên gập ghềnh.
Theo kịch bản cơ sở trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (WEO) tháng 4/2023 của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay dự báo sẽ đạt 2,8%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1/2023 và thấp hơn đáng kể so với mức tăng 3,4% trong năm 2022. Kịch bản này được xây dựng với giả định sự bất ổn của khu vực tài chính được kiểm soát, không làm gián đoạn hoạt động kinh tế toàn cầu, và suy thoái kinh tế (nếu có) cũng không lan rộng.
Đối với các nền kinh tế phát triển, tăng trưởng năm nay được dự báo sẽ chỉ còn 1,3%, so với mức 2,7% trong năm 2022. Khoảng 90% các nền kinh tế phát triển được nhận định sẽ suy giảm tăng trưởng đáng kể trong năm nay.
Đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, triển vọng kinh tế có phần lạc quan hơn với dự báo tăng trưởng 3,9% trong năm nay, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo hồi tháng 1/2023.
Trong khi đó, WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ chỉ đạt 1,7%, so với mức dự báo 3% đưa ra hồi tháng 6/2022. Đối với nhóm các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, WB dự báo tăng trưởng đạt 3,4%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với dự báo hồi giữa năm ngoái.
Đáng chú ý, cơ quan này cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với “thập kỷ mất mát” khi gần như tất cả nguồn lực kinh tế thúc đẩy thịnh vượng và tiến bộ trong ba thập kỷ qua đang dần suy yếu. WB dự báo tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng của nền kinh tế toàn cầu giai đoạn 2022 – 2030 sẽ chỉ đạt trung bình 2,2%/năm khi các động lực tăng trưởng suy yếu dần. Con số này giảm đáng kể so với mức trung bình 2,6%/năm của thập kỷ gần nhất và kém xa mức 3,5%/năm của những năm đầu 2000.
Tuy nhiên, WB cũng nhấn mạnh tăng trưởng GDP tiềm năng của nền kinh tế toàn cầu giai đoạn 2022 – 2030 có thể được nâng lên mức 2,9% nếu các quốc gia tập trung chính sách vào việc tăng nguồn cung lao động, tăng năng suất và khuyến khích đầu tư.
Để cải thiện triển vọng tăng trưởng, IMF và WB kêu gọi các nhà hoạch định chính sách nên ưu tiên kiểm soát lạm phát, đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính và giảm nợ.
IMF hiện dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Hoa Kỳ sẽ ở mức 1,6%, so với mức 2,1% trong năm 2022. Đối với khu vực Eurozone, dự báo tăng trưởng chỉ đạt 0,8% và Đức - nền kinh tế lớn nhất Eurozone có thể chứng kiến một đợt suy thoái nhẹ. Đối với Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của nước này được dự báo có thể đạt 5,2%, cao hơn nhiều so mức tăng 3% trong năm ngoái.