Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent tăng nhẹ lên mức 81,66 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas đạt 77,87 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giao dịch vừa qua, giá dầu thô Brent giảm 5,4% và giá dầu thô WTI giảm tới 5,6%.
Áp lực giảm lên giá dầu trong những phiên giao dịch gần đây chủ yếu đến từ việc thị trường lo ngại nguy cơ Hoa Kỳ rơi vào suy thoái ngày càng lớn trước các dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong phiên họp chính sách tháng 5 tới đây.
Thậm chí, tâm lí bi quan khiến giá dầu thô mất hơn 2% riêng trong phiên giao ngày 20/4, xoá sạch thành quả tăng kéo dài từ đầu tháng 4 sau cú hích từ việc liên minh OPEC+ bất ngờ thông báo sẽ cắt giảm thêm sản lượng khai thác kể từ tháng 5.
Các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang mất dần các động lực tăng trưởng. Trong đó, thị trường lao động đã hạ nhiệt khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng tuần thứ hai liên tiếp. Doanh số bán lẻ tại nước này trong tháng 3 vừa qua tiếp tục giảm tháng thứ hai liên tiếp và giảm mạnh hơn đáng kể so với dự báo của giới phân tích. Doanh số bán lẻ yếu kém có thể sẽ kéo theo sự suy giảm của hoạt động sản xuất chế tạo.
Triển vọng kinh tế ảm đạm khiến thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô thời gian tới sẽ không cao như các kỳ vọng trước đây. Đáng chú ý, thị trường hiện dự báo không chỉ riêng FED mà Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ nâng lãi suất trong tháng 5 tới đây. Điều này khiến giới đầu tư lo ngại khi chính sách tiền tệ bị siết chặt hơn nữa, các rủi ro tài chính sẽ ngày càng lớn hơn và có thể tác động ra toàn nền kinh tế.
Thị trường tài chính quốc tế vốn đã chao đảo sau khi liên tiếp 3 ngân hàng của Hoa Kỳ phá sản, gồm Silicon Valley Bank, Signature Bank và Silvergate Bank trong tháng trước, và gần nhất là cuộc khủng hoảng của ngân hàng thương mại lớn thứ hai Thuỵ Sĩ - Credit Suisse.
Giá dầu thô còn chịu tác động từ dữ liệu cho thấy số giàn khoan dầu thô và khí tự nhiên tại Hoa Kỳ trong tuần này lần đầu tiên tăng trở lại sau 4 tuần giảm liên tiếp, tăng thêm 3 giàn khoan lên mức 591.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu thô đã được kìm hãm vào cuối tuần này khi các dữ liệu bất ngờ cho thấy Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ghi nhận nhiều điểm tích cực, vượt dự báo của giới phân tích. Trong đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng của Eurozone trong tháng 4 đã tăng lên mức 54,4 điểm, phản ánh hoạt động sản xuất tại đây đã được mở rộng. Lạm phát của khu vực này trong tháng 3 cũng đã giảm mạnh từ mức 8,5% trong tháng 2 xuống còn 6,9% - mức thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.
Đồng thời, dữ liệu của Chính phủ Ấn Độ cho thấy công suất của các nhà máy lọc hoá dầu nước này trong tháng 3 đã gần đạt mức cao kỷ lục, phản ánh nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đang phục hồi vững chắc. Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 3 thế giới.
Một số nhà phân tích nhận định giá dầu thô sẽ tăng trở lại trong thời gian tới khi việc liên minh OPEC+ tăng cường cắt giảm sản lượng khai thác thực sự tác động đến nguồn cung trên thị trường. Kết hợp với đó là nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc được nhận định sẽ tăng lên đáng kể trong những tháng tới đây.