Ngày 26/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng các Bộ, ngành tổ chức Lễ công bố “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”.
Phục hồi nhanh nhờ phản ứng chính sách nhanh nhạy
Phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua, sau không ít khó khăn do hệ lụy của dịch bệnh COVID-19 và các diễn biến kinh tế, địa chính trị phức tạp trên thế giới. Môi trường kinh tế vĩ mô nói chung và lạm phát nói riêng tương đối ổn định hơn so với khu vực và thế giới. Việt Nam cũng đang đẩy nhanh các nỗ lực cải cách gắn với chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phục hồi xanh gắn với kinh tế tuần hoàn.
“Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023 là một tài liệu quan trọng, với những đánh giá khoa học, khách quan và có tính xây dựng sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng đối với nhiều Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu của Việt Nam trong quá trình tham mưu xây dựng chính sách trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định.
Thông qua nghiên cứu thực tiễn phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian qua, “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023” đánh giá, Việt Nam đã nhanh chóng hồi phục sau những đợt suy thoái do đại dịch gây ra, nhờ phản ứng chính sách nhanh nhạy. Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế cao liên tục. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm dịch nhanh và được điều chỉnh phù hợp giúp Việt Nam không phải trải qua các đợt bùng phát quy mô lớn cho tới tận giữa năm 2021. Từ sau đó, chiến dịch tiêm chủng diễn ra nhanh chóng.
"Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao hơn so với hầu hết các nền kinh tế khác ở Đông Nam Á trong đại dịch, tạo cơ sở vững chắc cho tiến bộ kinh tế hơn nữa", Báo cáo của OECD nhận định.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho rằng, các điều kiện bên ngoài đang đe dọa quá trình phục hồi. Việc tham gia tích cực vào thương mại toàn cầu là một yếu tố góp phần vào sự thịnh vượng của Việt Nam nhưng điều đó có nghĩa rằng Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi đột ngột của điều kiện bên ngoài. Những bất ổn địa chính trị đang gây sức ép lên triển vọng kinh tế ngắn hạn của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục khá vững chắc, nhưng có những rủi ro suy giảm đáng kể. Nhu cầu nội địa được dự báo phục hồi hơn nữa khi các hạn chế kiểm dịch được dỡ bỏ. GDP thực tế được dự báo tăng 6,5% trong năm 2023 và duy trì tốc độ 6,6% trong năm 2024. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tiếp tục đè nặng lên thương mại toàn cầu và lạm phát gia tăng trên khắp thế giới có thể gây thêm áp lực đến chính sách tiền tệ và áp lực giảm tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Ở chiều tích cực, các nhà đầu tư nước ngoài có thể ngày càng đánh giá cao môi trường đầu tư ổn định của Việt Nam trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng.
Cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho chuyển đổi số
Trên cơ sở những nghiên cứu và dự báo, Báo cáo của OECD đưa ra 3 khuyến nghị chính.
Thứ nhất, chính sách kinh tế vĩ mô cần giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, cần ưu tiên giảm thiểu tác động của giá năng lượng cao thông qua hỗ trợ có đối tượng mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, thay vì thực hiện những biện pháp tài khóa mở rộng hơn nữa.
Trong trung hạn, Báo cáo nhấn mạnh yêu cầu phải củng cố các khung chính sách kinh tế vĩ mô bằng cách cải thiện tính bền vững tài khóa thông qua mở rộng cơ sở thuế. Đồng thời, cần tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội và giảm quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức.
Thứ hai, để duy trì tăng trưởng kinh tế cao sau khi phục hỏi, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số. Việc khơi dậy sức sống và tinh thần doanh nhân đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực theo hướng tinh giản các quy định, tăng tính minh bạch của các quy trình điều tiết và tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên tham gia thị trường, gồm cả giữa doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị tư nhân.
Thứ ba, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam sẽ cần phải duy trì mức đầu tư cao cho năng lượng tái tạo và theo đuổi hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn. Định hướng này có thể được hiện thực hóa thông qua cách tiếp cận chính sách toàn diện, trong đó ưu tiên đầu tư nhà nước và tư nhân hiệu quả, thiết lập các quy định tạo thuận lợi và tạo cơ chế để giá cả thị trường phản ánh tốt hơn hàm lượng các-bon.
Bên cạnh thảo luận về nội dung Báo cáo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng trao đổi về những đề xuất, giải pháp tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, cải cách hệ thống quy định đối với thị trường hàng hóa, thúc đẩy chuyển đổi số và phục hồi xanh; tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế.