3 đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023

Với nhiều khó khăn trong và ngoài nước, GDP quý I tăng trưởng ở mức thấp 3,32%, tạo áp lực cho các quý sau. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu thực hiện tốt 3 đột phá lớn thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm nay của Việt Nam vẫn khả thi.

tăng trưởng kinh tế

Những điểm sáng trong khó khăn

Thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 cho biết, trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện đan xen thuận lợi, thời cơ, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, tình hình kinh tế - xã hội nước ta cơ bản vẫn đạt được kết quả đáng kể trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2023.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định trong bối cảnh nhiều biến động, lãi suất được điều chỉnh giảm 2 lần liên tục. Thu ngân sách Nhà nước quý I đạt 30,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ; xuất siêu 4,07 tỷ USD); an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực có mức tăng khá. Sản xuất nông nghiệp ổn định, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, thủy sản quý I tăng 2,52% so với cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng thủy sản quý I tăng 3,2% so với cùng kỳ, tranh thủ được cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thị trường lao động phục hồi nhanh, cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I tăng 3,7% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp thành lập mới tháng 3/2023 tăng cả 3 tiêu chí so với tháng 2/2023: Số doanh nghiệp (60,9%), vốn (122,2%), lao động (81,4%); tính chung quý I/2023 có 57.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại.

Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực, giá trị tăng thêm quý I tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 95,9% tăng trưởng của cả nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 03 tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, tính chung quý I tăng 13,9%. Khách quốc tế đến nước ta đạt gần 2,7 triệu lượt khách, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm trước...

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tình hình kinh tế-xã hội quý I nhìn chung có xu hướng tích cực, đạt kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các khó khăn, thách thức còn nhiều. Thủ tướng chỉ rõ, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tăng tưởng chưa được như kỳ vọng và mục tiêu đề ra, lạm phát cơ bản quý I tăng 5,01% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng, bất ổn bên ngoài tác động tình hình trong nước. Sản xuất công nghiệp giảm, một số trung tâm công nghiệp lớn tăng trưởng sụt giảm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, nhất là tiếp cận vốn. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cần các biện pháp xử lý tích cực hơn...

Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 02 kịch bản tăng trưởng.

Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng các quý II, III và IV theo kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%). Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 05 năm 2021-2025 (6,5-7%), đòi hỏi năm 2024-2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 05 năm là 6,5%.

Kịch bản 2, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết 01/NQ-CP), quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9% (cao hơn lần lượt 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP). Đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí…, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn Kịch bản 2, phấn đấu tăng trưởng cả năm là 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 05 năm 2021-2025 từ 6,5-7%.

3 đột phá - Động lực cho tăng trưởng

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay ở mức 6,5%, ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng quốc gia của Cơ quan thường trú Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, đây là một mục tiêu thách thức tuy nhiên vẫn có thể đạt được nếu tận dụng và thực hiện tốt 3 đột phá.

ông Cường ADB
Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng quốc gia, Ngân hàng ADB tại Việt Nam: GDP Việt Nam năm 2023 có thể đạt 6,5% nếu thực hiện tốt 3 đột phá

Thứ nhất, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Dự kiến một lượng đáng kể vốn đầu tư công sẽ được giải ngân trong năm 2023. Nếu làm tốt công tác này sẽ là động lực chính, đóng góp lớn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023. 

Thứ hai, tác động tích cực từ việc chuyển hướng chính sách điều hành tiền tệ từ thắt chặt sang hỗ trợ tăng trưởng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định giảm lãi suất điều hành từ ngày 3/4/2023. Biện pháp hạ lãi suất điều hành nhằm mục đích để các ngân hàng giảm lãi suất huy động, từ đó, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế đẩy nhanh tăng trưởng.

Chuyên gia ADB cho rằng, đây là một bước đi trước của Việt Nam, trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ. Đồng thời cũng phù hợp với xu hướng chung của chính sách tiền tệ tại Châu Á hiện nay; theo ADB, thống kê cho thấy năm 2022 các nền kinh tế Châu Á đã thực hiện 51 lượt chính sách liên quan đến tăng lãi suất thì đến năm nay, dự báo số lượt chính sách hạ lãi suất hoặc giữ nguyên mức lãi suất sẽ tăng lên. 

Tuy nhiên sau chính sách hạ lãi suất Chính phủ cần có thêm các chính sách hiệu quả khác, tiếp tục phối hợp các biện pháp tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế. "Việc ban hành Nghị định 65 là rất kịp thời và cần tiếp tục triển khai, vì nếu chậm trễ có thể làm tăng nợ xấu trong tương lai. Việc thực hiện chương trình nhà ở xã hội cần cân bằng giữa nhu cầu cho vay thận trọng để tránh các khoản nợ xấu trong tương lai với nhu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân", chuyên gia ADB khuyến nghị.

Thứ ba, tận dụng tốt các cơ hội từ sự mở cửa trở lại của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo chuyên gia ADB, "cú hích" này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở hai khía cạnh. Về dịch vụ, việc Trung Quốc mở cửa, trong đó có lĩnh vực du lịch sẽ là đầu tàu kéo theo tăng tưởng của các lĩnh vực dịch vụ khác. Về thương mại xuất nhập khẩu, mặc dù việc Trung Quốc mở cửa có thể làm gia tăng sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường khác, tuy nhiên theo hướng tích cực thì việc mở cửa sẽ thúc đẩy hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc. Nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội sẽ giúp gia tăng xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt ở các nhóm hàng nông sản, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất...

Trong Báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á mới công bố ngày 4/4, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay ở mức 6,5% trước khi tăng lên mức 6,8% vào năm 2024; lạm phát dự báo sẽ tăng nhẹ lên 4,5% trong năm 2023. 

Khu vực công nghiệp dự báo sẽ tăng chậm, ở mức 7,5% trong năm 2023, đóng góp 2,7 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng có thể tăng tốt nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được thực hiện theo kế hoạch. Khu vực dịch vụ dự báo tăng 8% nhờ du lịch và các dịch vụ liên quan được phục hồi. 

Việt Hằng