Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo trước đó do những hậu quả của cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine.
Trong báo cáo kinh tế toàn cầu mới nhất, OECD vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay ở mức 3% nhưng hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 xuống còn 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 2,8% được đưa ra hồi tháng 6 vừa qua. OECD hạ dự báo triển vọng tăng trưởng của gần như tất cả các quốc gia trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Anh.
OECD nhận định Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2023. Tổ chức này cũng hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay và năm sau của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – Trung Quốc xuống lần lượt còn 3,2% và 4,7%.
Trong khi đó, OECD cảnh báo Đức sẽ ơi vào suy thoái kinh tế trong năm sau khi tăng trưởng của nước này sẽ ở mức -0,7%, giảm 2,4% so với dự báo gần nhất. Đức, nền kinh tế lớn nhất Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), là một trong số những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine hiện nay do phụ thuộc mạnh vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Đồng thời, khu vực Eurozone được OECD dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 0,3% trong năm sau, giảm mạnh so với mức dự báo tăng 1,6% được đưa ra hồi tháng 6.
OECD cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu bắt đầu bị đình trệ trong quý 2 năm nay và dữ liệu ở nhiều nền kinh tế cho thấy dấu hiệu một giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài. Một số chỉ số đo lường sức khoẻ nền kinh tế thậm chí đã chuyển biến tiêu cực, khiến triển vọng tăng trưởng toàn cầu trở nên u ám. Theo OECD, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine kéo dài đã và đang làm trầm trọng hơn nữa áp lực lạm phát trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, các đợt bùng phát dịch COVID-19 vẫn đang tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng bị ảnh hưởng khi hàng loạt ngân hàng trung ương gấp rút tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. OECD nâng dự báo lạm phát của khối G20 trong năm 2022 và năm 2023 lần lượt ở mức 8,2% và 6,6%. Tổ chức này nhấn mạnh việc các quốc gia siết chặt chính sách tiền tệ là một “yếu tố chính khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc."
Cũng theo OECD, chính phủ các nước đã công bố các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với chi phí sinh hoạt tăng cao. Tuy nhiên, các biện pháp tài khóa để bù đắp chi phí năng lượng lại không phát huy hiệu quả.