Liên Hiệp Quốc vừa công bố báo cáo “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2023” với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 sẽ chỉ đạt 1,9%, thấp hơn đáng kể so với mức dự tính khoảng 3% trong năm 2022. Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh các tác động của đại dịch COVID-19, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine, lạm phát cao và biến đổi khí hậu vốn đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và tiếp tục gây áp lực trong năm 2023.
Vụ Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (UNDESA) nhận định đầu tư và tiêu dùng cá nhân trong năm 2023 sẽ suy yếu ở hầu hết các quốc gia, do vấn đề thu nhập và lãi suất tăng cao. Một số nước được dự báo sẽ chớm suy thoái nhẹ trước khi lấy lại đà hồi phục vào nửa cuối năm 2023 và năm 2024.
Thống kê của UNDESA cho thấy, có đến 85% ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã bắt tay thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kể từ cuối năm 2021 để kiềm chế sức ép lạm phát. Tỷ lệ lạm phát toàn cầu năm 2022 lên 9%, mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua. Mức lạm phát này sẽ dịu đi trong năm 2023, nhưng vẫn đứng ở mức cao là 6,5%
Liên Hợp Quốc kêu gọi chính phủ các nước tránh thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm giảm thiểu tác động đến tăng trưởng kinh tế cũng như ảnh hưởng đến những đối tượng dễ bị tổn thương, cản trở bước tiến về bình đẳng giới. Thay vào đó, các nước cần tái phân bổ và ưu tiên trong chính sách chi tiêu công, thông qua can thiệp trực tiếp giúp tạo việc làm và phục hồi tăng trưởng.
Theo báo cáo, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được nhận định sẽ tăng tốc và có thể đạt mức tăng trưởng 4,8% trong năm 2023 sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 nghiêm ngặt và áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản được dự báo lần lượt đạt 0,4%, 0,2% và 1,5%.
Sự giảm tốc của các nền kinh tế lớn nhất đang ảnh hưởng xấu đến các nền kinh tế còn lại của thế giới theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển. Liên Hiệp Quốc cũng cho biết để đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu và đưa thế giới trở lại quỹ đạo để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 của Liên Hiệp Quốc, tăng cường hợp tác quốc tế là xu thế tất yếu. Cộng đồng quốc tế cần khẩn trương tăng cường nỗ lực cung cấp viện trợ tài chính và giảm gánh nặng nợ nần cho các nước đang phát triển.
Nhiều tổ chức tài chính lớn nhận định thế giới đang đối mặt với các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế phức tạp nhất từ hàng chục năm trở lại đây. Kinh tế thế giới phân mảnh thành từng khối riêng biệt, hạn chế giao thương với nhau, xu hướng hợp tác đa phương, toàn cầu đang dần phải nhường chỗ cho những mô hình hợp tác kinh tế mới và xuất hiện sự xói mòn lòng tin giữa các quốc gia trên phạm vi toàn cầu.
Theo Liên Hiệp Quốc, nếu một số trở ngại kinh tế vĩ mô bắt đầu giảm dần, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể tăng lên mức 2,7% vào năm 2024. Một số dự báo hiện nay kỳ vọng việc Trung Quốc tái mở cửa hoàn toàn nền kinh tế sẽ đóng góp kịp thời và cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Á. Thậm chí, sự phục hồi của Trung Quốc có thể kéo các nền kinh tế thoát khỏi rủi ro suy thoái như điều đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008.