Cả 2 cụm công nghiệp đều do Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư xây dựng Việt Nam làm chủđầu tư.
Cụm công nghiệp Thiết Bình có diện tích khoảng 22,21 ha với tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 491,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của chủ đầu tư là 172 tỷ đồng, vốn huy động và vay của các tổ chức tín dụng 319,7 tỷ đồng.
Cụm công nghiệp Đình Xuyên, quy mô xây dựng khoảng 7,81 ha với tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 227 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư là 68 tỷ đồng và vốn huy động và vay của các tổ chức tín dụng 159 tỷ đồng.
Cả 2 cụm công nghiệp Thiết Bình và Đình Xuyên sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng hoạt động của các ngành nghề chế biến gỗ, mộc dân dụng, chạm khắc mỹ nghệ, sơn mài và các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Cụm công nghiệp Thiết Bình và Cụm công nghiệp Đình Xuyên đều bắt đầu từ quý III/2018 đến quý IV/2020.
Cùng với đó phục vụ việc di dời, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong các xã Vân Hà và Đình Xuyên cùng khu vực lân cận các cụm công nghiệp, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư, phát triển nghề, làng nghề ở địa phương.
Theo các quyết định này, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp sử dụng đất đúng mục đích để xây dựng công trình theo quyết định giao đất, cho thuê đất và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về đánh giá tác động môi trường của dự án.
Đồng thời, chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn công nghiệp và đảm bảo các quy định về hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Hà Nội nghiêm cấm thực hiện việc chuyển nhượng dự án và huy động vốn để triển khai dự án không đúng quy định của pháp luật dưới mọi hình thức, trường hợp vi phạm sẽ bị thu hồi, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030, sẽ Hà Nội quy hoạch 159 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 3.204ha. Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 49.425 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2020 khoảng 34.900 tỷ đồng và giai đoạn từ năm 2021 - 2030 khoảng 14.525 tỷ đồng.
Theo Quy hoạch, phía Bắc thành phố Hà Nội gồm các quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, sản xuất ô tô, công nghiệp vật liệu mới, hóa dược - mỹ phẩm... Phía Nam thành phố gồm huyện Thường Tín và Phú Xuyên, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản; phát triển công nghiệp hỗ trợ... Phía Tây (khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn) ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sinh học, hóa dược - mỹ phẩm, công nghệ điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ vật liệu mới, nano, năng lượng mới...