Sau khi đại diện Ban Soạn thảo báo cáo nội dung tờ trình Chính phủ về Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các đại biểu bắt đầu đóng góp ý kiến. Ông Lê Bộ Lĩnh – Phó chủ nhiệm UB KHCNMT Quốc hội nhận định, Dự án Luật SDNLTK&HQ là rất quan trọng liên quan đến các hoạt động tiêu thụ năng lượng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động này chưa được thể hiện cụ thể trong “Phạm vi điều chỉnh” đối với lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ. Theo ông, các nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng cần được đặc biệt khuyến khích, điều chỉnh trong Luật.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm TKNL Thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng, Luật cần có những điều khoản cụ thể hơn đối với các đầu tư nước ngoài, đặc biệt các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng (thép, xi măng, vật liệu xây dựng…) vào Việt Nam. Ngoài ra, cần nghiên cứu các văn bản dưới luật sao cho hệ thống văn bản được đồng bộ, sẵn sàng ngay khi Luật được phê duyệt và có hiệu lực. Tuy nhiên, ông Tước cũng lưu ý, mặc dù một số điều khoản trong Luật được quy định rất chi tiết nhưng việc thực thi đôi khi cũng sẽ gặp khó khăn, vì vậy, cần áp dụng một cách linh hoạt, tránh tình trạng "máy móc hóa".
Có ý kiến cho rằng, mặc dù Dự thảo Luật SDNLTK&HQ đã được tiếp thu, chỉnh sửa tương đối hoàn chỉnh, nhưng vẫn còn một số thiếu sót, phạm vi, đối tượng điều chỉnh thể hiện còn chưa được bao quát, mới tập trung nhiều vào quản lý sản xuất kinh doanh, việc khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn quản lý TKNL không nên chỉ áp dụng cứng nhắc theo TCVN do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành. Luật cần đề cập nhiều hơn đến các hoạt động dịch vụ, tư vấn về công nghệ, kỹ thuật và quản lý năng lượng. Cần có điều khoản khuyến khích, hỗ trợ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở khoa học công nghệ thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, việc ban hành và áp dụng Luật là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Chính vì vậy, cần xem xét tính khả thi của một số nội dung Luật, các điều khoản bắt buộc của Luật cần phải thể hiện cụ thể, rõ nghĩa hơn. Bên cạnh việc áp dụng nhiều biện pháp bắt buộc hơn nữa đối với các đơn vị tiêu thụ năng lượng không phải trọng điểm, Luật cần thể hiện cụ thể hơn cơ cấu quản lý nhà nước về SDNLTK&HQ, hệ thống cơ quan hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động này. Ông Tân cho rằng, Ban soạn thảo Luật cần tham khảo mô hình của Nhật Bản về Trung tâm tiết kiệm năng lượng quốc gia.
Hầu hết các đại biểu đều thống nhất ý kiến quy định Danh mục trang thiết bị TKNL cần mua sắm nên để các địa phương chủ động kiến nghị do sự khác nhau về đặc điểm vùng miền, điều kiện tự nhiên.
Ngoài ra, còn một số ý kiến rất đáng chú ý như: Cần có thêm quy định đối với phương tiện giao thông, đặc biệt định mức tiêu hao nhiên liệu của ô tô; Xem xét quản lý công ty chiếu sáng ở các địa phương như một đơn vị tiêu thụ năng lượng trọng điểm (mặc dù đây là đơn vị công ích); Cần lưu ý việc triển khai hoạt động nhãn năng lượng sẽ rất khó khăn và tốn nhiều công sức.
Đây là lần hội thảo lấy ý kiến đóng góp cuối cùng của Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trước khi Luật được đưa ra xin ý kiến Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.