Thị trường tiếp tục thiếu hụt nguồn cung, giá dự báo tăng 5 - 10%
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu trong tháng 2/2025 ước đạt 945.000 tấn, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2024, và giảm tới 29,2% so với tháng 1/2025. Trong khi đó, mức tiêu thụ cao su tự nhiên ước đạt hơn 1,18 triệu tấn, giảm 3,3% so với tháng 1/2025 nhưng tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2024.
ANRPC cập nhật dự báo sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu năm nay tăng nhẹ 0,4% so với năm 2024, đạt khoảng 14,9 triệu tấn. Trong đó, sản lượng của một số quốc gia dự kiến sẽ tăng lên như: Thái Lan (+1,2%), Trung Quốc (+6%), Ấn Độ (+5,6%), Campuchia (+5,6%), giúp bù đắp lại sự sụt giảm sản lượng tại Việt Nam (-1,3%), Indonesia (-9,8%), và Malaysia (-4,2%).

Về phía nhu cầu, ANRPC dự báo tăng trưởng nhu cầu cao su tự nhiên trên toàn cầu sẽ đạt 1,7%, đạt hơn 15,62 triệu tấn trong năm nay với động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ Thái Lan (+6,1%), Ấn Độ (+3,4%), Trung Quốc (+2,5%).
Như vậy, thị trường toàn cầu nhiều khả năng tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên năm thứ 5 liên tiếp. Trong thời gian qua, nhu cầu tăng mạnh hơn nguồn cung đã giúp giá cao su phục hồi đáng kể và chạm mức cao nhất 13 năm qua hồi cuối năm 2024.
Trong ngắn hạn, tình trạng thiếu hụt cao su khó được cải thiện ngay do cây cao su bước vào giai đoạn thay lá, ngưng cao mủ tới tháng 5/2025. Đáng chú ý, theo báo cáo cập nhật của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Khí hậu và Xã hội (IRI), hiện tượng La Nina có thể hoạt động mạnh vào quý 3/2025 với xác suất từ tháng 7 - tháng 9/2025 là 38%/44%/48%.
La Nina diễn ra sẽ gây ra nhiều cơn bão/áp thấp nhiệt đới và mưa nhiều tại khu vực Đông Nam Á, theo đó Việt Nam và Thái Lan sẽ chịu tác động lớn, từ đó có khả năng ảnh hưởng đến sản lượng khai thác cao su.

Trong trung và dài hạn, ANRPC cảnh báo các rủi ro thiên tai và xu hướng chuyển đổi cây trồng tại khu vực Đông Nam Á có thể khiến sản lượng cao su tự nhiên tiếp tục bị siết chặt. ANRPC dự báo thị trường có thể thiếu hụt 600.000 - 800.000 tấn cao su/năm từ nay đến năm 2028.
Các điều kiện thị trường hiện tại được kỳ vọng tiếp tục hỗ trợ tích cực kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cao su Việt Nam. Trong năm 2024, nhờ giá xuất khẩu cao su bình quân tăng tới 26%, đạt 1.701 USD/tấn, kim ngạch xuất khẩu cao su của cả nước đã đạt 3,4 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2023 mặc dù sản lượng xuất khẩu giảm 6,2%.
Chứng khoán MB dự báo giá cao su bình quân năm 2025 sẽ tiếp tục tăng thêm 5 - 10% so với mặt bằng giá của năm 2024.
Nhiều doanh nghiệp cao su niêm yết hưởng lợi trực tiếp

Theo Chứng khoán MB, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR), Công ty Cổ phần Cao su Phước Hoà (mã cổ phiếu PHR), và Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (mã cổ phiếu DPR) sẽ là những doanh nghiệp niêm yết điển hình hưởng lợi từ việc giá cao su neo cao.
Cụ thể, đối với Cao su Việt Nam, đây là doanh nghiệp đầu ngành trong khai thác, chế biến mủ cao su, chiếm khoảng 30% diện tích cao su cả nước, sản xuất bình quân 500.000 tấn/năm.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của Cao su Việt Nam dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng đột biến ở mảng khu công nghiệp từ việc khai thác dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 (345 ha, Bình Dương).
Theo đó Chứng khoán MB dự báo doanh thu năm 2025 của Cao su Việt Nam dự kiến tăng gần 4% và lợi nhuận tiếp tục quanh mức đỉnh của năm 2024. Trong trung và dài hạn, kết quả kinh doanh của tập đoàn sẽ được hỗ trợ mạnh từ việc chuyển đổi 23.500 ha đất cao su sang đất khu công nghiệp.
Hiện loạt dự án khu công nghiệp lớn của Cao su Việt Nam đã được chấp thuận đầu tư (Hiệp Thạnh, Rạch Bắp mở rộng, Bắc Đồng Phú mở rộng). Ngoài ra, tập đoàn đang nghiên cứu, hoàn thiện pháp lý loạt dự án khu công nghiệp khác như Nam Đồng Phú mở rộng, Minh Hưng 3 giai đoạn 2, và Cộng Hoà giai đoạn 2.
Đối với Cao su Phước Hoà, sản lượng tiêu thụ cao su hàng năm của công ty đạt trên 30.000 tấn. Chứng khoán MB dự báo giá cao su cao sẽ giúp lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này tăng 10% trong năm 2025 và tiếp tục tăng thêm 8% trong năm 2026.
Ngoài ra, với việc sở hữu 33% cổ phần trong liên danh khai thác Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3, Cao su Đồng Phú dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận đột biến khi khu công nghiệp này bắt đầu được khai thác. Doanh thu từ việc khai thác Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 sẽ được Cao su Đồng Phú ghi nhận theo phương pháp một lần thay vì phân bổ hàng năm.
Đồng thời, Cao su Đồng Phú cũng sẽ hưởng 20% lợi nhuận gộp được chia từ cho thuê đất tại Khu công nghiệp VSIP3 Bình Dương (1.000 ha), theo Chứng khoán MB.
Đối với Cao su Đồng Phú, công ty đang sở hữu vườn cây cao su có năng suất cao, đạt trên 2 tấn/ha. Con số này cao hơn mức 1,5 tấn/ha - năng suất trung bình của Cao su Việt Nam.
Bên cạnh động lực từ việc giá cao su neo cao, kết quả kinh doanh của Cao su Đồng Phú còn đến từ kế hoạch thanh lý 584,2 ha vườn cây già trong năm nay, tăng 35,4% so với năm 2024. Trong giai đoạn 2025 - 2026, diện tích thanh lý của công ty dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm để triển khai các dự án khu công nghiệp mới.
Đáng chú ý, dự án Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (317 ha) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư hồi giữa tháng 1/2025. Dự án do Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú làm chủ đầu tư; trong đó, Cao su Đồng Phú nắm giữ 51% cổ phần. Chứng khoán MB dự báo dự án này sẽ đem lại dòng tiền tích cực cho Cao su Đồng Phú trong 2 - 3 năm tới.