Tại thời điểm cuối tháng 9/2024, giá cao su RSS3 và TSR20 trên thị trường quốc tế lần lượt tăng 83% và 55% so với cùng kỳ, chủ yếu do thời tiết cực đoan khiến nguồn cung suy giảm. Điều này đã hỗ trợ tích cực cho giá cao su xuất khẩu của Việt Nam, giá xuất khẩu bình quân trong tháng 9/2024 đạt 1.697 USD/tấn, tăng 30% so với cùng kỳ và 9 tháng năm 2024 đạt 1.588 USD/tấn, tăng 19% so với cùng kỳ.
Đầu tháng 10, giá cao su thế giới tiếp tục đà tăng lên mức cao nhất 13 năm trở lại đây, đạt 73,6 triệu đồng tấn đối với cao su RSS3, tương ứng mức tăng tới gần 97% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng hơn 10% so với hồi tháng 9/2024.
Hiện kim ngạch xuất khẩu cao su cả năm nay của Việt Nam dự kiến sẽ đạt tới 3,2 - 3,5 tỷ USD, so với mức 2,9 tỷ USD của năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cao su.
Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của Chứng khoán MB, các doanh nghiệp cao su niêm yết sẽ có mức độ hưởng lợi khác nhau từ việc giá cao su tăng.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh (mã cổ phiếu TRC) dự kiến là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất từ giá cao su tăng cao bởi mảng cao su đóng góp gần như 100% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính.
Kết thúc quý 3/2024, Cao su Tây Ninh ghi nhận lãi ròng đạt hơn 73 tỷ đồng, cao gấp 6 lần cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đạt 101,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 145% mục tiêu cả năm.
Đáng chú ý, Cao su Tây Ninh đang đầu tư mở rộng thêm 4.000 ha đất cao su tại Campuchia. Đây sẽ là động lực tăng trưởng mới cho công ty trong thời gian tới.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR), đây là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực chế biến mủ cao su, được hưởng lợi từ giá cao su tăng khi mảng cao su đóng góp 70% lợi nhuận gộp. Theo một số ước tính sơ bộ, giá cao su cứ tăng 1% thì lợi nhuận gộp mảng sản xuất cao su của Cao su Việt Nam sẽ tăng thêm 0,22%.
Vừa qua, ban lãnh đạo Cao su Việt Nam cho biết ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm nay đạt 2.850 tỷ đồng. Qua đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm ước đạt 4.450 tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch được giao và tăng 8% so với năm 2023.
Ngoài ra, Cao su Việt Nam đã được phê duyệt chủ trương chuyển đổi hơn 23.500 ha đất cao su sang đất khu công nghiệp. Mảng bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận đột biến cho tập đoàn trong thời gian tới.
Đối với Công ty Cổ phần Cao su Phước Hoà (mã cổ phiếu PHR), sản lượng chế biến mủ cao su hàng năm của công ty đạt trên 30.000 tấn, ước tính mảng cao su đóng góp khoảng 50% lợi nhuận gộp của công ty.
Chứng khoán MB nhận định giá bán cao su bình quân năm nay của Cao su Phước Hoà có thể đạt 44 triệu đồng/tấn, tăng 25% so với năm 2023. Nhờ đó, doanh thu mảng cao su của công ty ước tăng 30% so với năm 2023 và có lãi trở lại sau khi ghi nhận lỗ trong năm ngoái.
Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk (mã cổ phiếu DRI), giá cao su tăng mạnh hỗ trợ tích cực cho giá bán của công ty trong nửa đầu năm nay, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, sản lượng của công ty lại giảm tới 27% so với cùng kỳ năm ngoái do đặc thù vườn cây nguyên liệu và nhà máy chế biến đặt tại Lào chịu ảnh hưởng đáng kể từ nền kinh tế của quốc gia này chưa phục hồi, lạm phát cao, đồng tiền Lào mất giá nhanh so với đồng tiền khác.
Chứng khoán MB đánh giá việc giá cao su tăng sẽ không tác động lớn đến kết quả kinh doanh của Cao su Đắk Lắk trong năm nay khi môi trường kinh doanh tại Lào còn nhiều rủi ro vĩ mô.
Đối với Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (mã cổ phiếu DPR), mặc dù là doanh nghiệp sản xuất cao su nhưng lợi nhuận của công ty chủ yếu đến từ thanh lý gỗ, lãi tiền gửi và tiền bồi thường khi chuyển đổi đất cao su thành đất công nghiệp.
Lợi nhuận mảng cao su chỉ chiếm khoảng 25% lợi nhuận của Cao su Đồng Phú nên giá cao su tăng không tác động nhiều đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này, theo Chứng khoán MB.