Ghi nhận thời điểm đầu giờ sáng ngày 25/4 (giờ Việt Nam), tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 0,5% (tương đương 1 yen/kg), lên mức 202,5 yen/kg.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 5/2023 tăng 3,58% (tương đương 415 nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó, lên mức 12.010 nhân dân tệ/tấn.
Trong nước, theo khảo sát sáng ngày 25/4 tại Bình Phước, giá mua mủ nước tại vườn cây Tà Nốt, Tà Pét ở mức 235 – 250 đồng/độ TSC; giá mua mủ nước tại nhà máy là 235 – 250 đồng/độ TSC; giá mủ thu mua của thương lái tại thị xã Lộc Ninh ở mức 235 – 250 đồng/độ mủ. Tại Tây Ninh, giá mủ cao su được các thương lái thu mua dao động từ 235 - 250 đồng/ độ mủ.
Thị phần cao su Việt Nam tại EU bị thu hẹp
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu cho biết, trong năm 2022, EU nhập khẩu cao su (HS 4001, 4002, 4003, 4005) từ các thị trường ngoài khối đạt 2,72 triệu tấn, trị giá 6,47 tỷ Eur (tương đương 7,05 tỷ USD), tăng 3,2% về lượng và tăng 29,9% về trị giá so với năm 2021.
Trong số các thị trường cung cấp cao su ngoài khối, EU nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Thái Lan với 412,59 nghìn tấn, trị giá 932,08 triệu Eur (tương đương 1,01 tỷ USD), tăng 18,7% về lượng và tăng 28,5% về trị giá so với năm 2021. Tiếp theo là nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà đạt 333,18 nghìn tấn, trị giá 592,1 triệu Eur (tương đương 645,39 triệu USD), tăng 11,5% về lượng và tăng 32,6% về trị giá; In-đô-nê-xi-a đứng thứ ba với 324,3 nghìn tấn, trị giá 720,82 triệu Eur (tương đương 785,7 triệu USD), giảm 8,7% về lượng, nhưng tăng 20,1% về trị giá so với năm 2021.
Năm 2022, Việt Nam là thị trường ngoài khối cung cấp cao su lớn thứ 11 cho EU với 81,86 nghìn tấn, trị giá 155,78 triệu Eur (tương đương 169,8 triệu USD), giảm 14,1% về lượng và giảm 4% về trị giá so với năm 2021, thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của EU chiếm 3,01%, thấp hơn so với mức 3,61% của năm 2021.
Như vậy, năm 2022, thị phần cao su của Việt Nam bị thu hẹp tại thị trường EU, trong khi thị phần cao su của Thái Lan, Bờ Biển Ngà tăng lên so với năm 2021.